Bắt đầu “nóng” tàu xe về lại TP

Từ chiều mùng ba tết (tức ngày 5-2), nhiều người dân về miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên ăn tết Nguyên đán đã chuẩn bị trở lại TP.HCM. Chuyện tàu xe bắt đầu “nóng” lên.

Bắt đầu “nóng” tàu xe về lại TP ảnh 1

Ôtô nối đuôi nhau chờ qua phà Vàm Cống. (Ảnh chụp sáng 7-2) Ảnh: VĨNH SƠN

Xe thương hiệu hết vé

Theo ông Phạm Minh Sương, Phó Tổng Giám đốc Mai Linh Express, đến trước ngày 20 tháng Chạp vừa qua, hãng đã bán hết vé từ Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn về lại TP từ sau mùng bốn tháng Giêng. Các hãng Thuận Thảo,Thanh Hương… cũng tuyên bố đã bán hết vé từ mùng bốn đến sau 12 tháng Giêng. Theo ông Phan Chánh, Giám đốc Công ty CP Bến xe Bình Định, lượng khách về lại TP.HCM những ngày cao điểm trên tăng gấp đôi ngày thường.

Ngày 7-2 (mùng năm), ông Trần Văn Trinh, Giám đốc Bến xe liên tỉnh Phú Yên, cho biết từ mùng bốn lượng khách từ TP Tuy Hòa đi TP.HCM đã tăng gấp đôi ngày thường. “Chúng tôi đã lên kế hoạch đưa xe buýt tăng cường ngay khi khách tăng, xe thiếu. Bến xe Phú Yên cũng đã lên kế hoạch phối hợp với Bến xe Miền Đông cho phép số xe vào đến TP lúc sáng sớm các ngày cao điểm được quay đầu ngay để đến chiều tối có thể đón khách từ Tuy Hòa đi TP.HCM” - ông Trinh cho biết.

Tại Quảng Ngãi, nhiều người trong ngày 7-2 đến Bến xe khách Quảng Ngãi và Ga Quảng Ngãi để mua vé đều phải trở về tay không. Năm doanh nghiệp vận tải chất lượng cao trong tỉnh đều cho biết không còn vé để bán cho hành khách. Ga Quảng Ngãi cũng thông báo hết vé tàu đi các tuyến Quảng Ngãi-TP.HCM và Quảng Ngãi-Hà Nội, chỉ còn một số ghế phụ.

Đà Nẵng: Hết sạch vé ngày chẵn

Sáng 7-2, hàng trăm hành khách dồn về Ga Đà Nẵng hỏi mua vé tàu vào Nam. Nhân viên bán vé cho biết: tàu TN1 đi TP.HCM trong ngày còn cả giường nằm lẫn ghế ngồi mềm. Tuy nhiên, rất ít người chịu lấy vé vì hầu hết đều ngại xuất hành vào mùng năm. Ngược lại, vé tàu vào Nam các mùng sáu, tám, 10 đã bán hết từ trước tết.

Tại Bến xe trung tâm Đà Nẵng, giá vé xe đi TP.HCM tăng bình quân 20%-30% được niêm yết công khai. Ngoài hơn 1.000 đầu xe các loại chạy tuyến Đà Nẵng vào các tỉnh phía Nam, Hiệp hội Vận tải hành khách Đà Nẵng còn huy động thêm gần 300 xe dự phòng sẵn sàng tăng cường cho các bến xe từ nay đến hết mùng 10. Tuy vậy, phòng vé sáng mùng năm tết vẫn thưa thớt người mua, xe chất lượng cao Hải Vân, Thuận Thảo, Mai Linh… cũng chỉ lác đác vài người hỏi thăm rồi bỏ đi. Một hành khách cho biết anh chần chừ chưa muốn mua vé do bến xe và các hãng chỉ còn vé mùng năm, bảy, chín… “Xuất hành đầu năm mà đi ngày lẻ xui lắm” - anh này nói.

Do lượng khách quá ít trong ngày mùng năm tết nên rất nhiều xe sau khi xuất bến đã tiếp tục quần đảo ở khu vực phía trước cổng Bến xe trung tâm Đà Nẵng, ngã ba Huế và cầu vượt Hòa Cầm để đón thêm khách. Điều này khiến những người đã lỡ lên xe phải chịu đựng cảnh… xe lăn bánh nhưng không biết đến khi nào mới chạy.

Theo Trung tá Trần Phước Cường, Phó Trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước, tâm lý ngại xuất hành ngày lẻ nên sẽ dẫn tới lượng khách tăng đột biến vào các ngày chẵn. “Do “đói” khách ngày lẻ nên các xe phải cố nhồi nhét vào ngày chẵn để bù lại. Chở quá số lượng, đua tốc độ để chạy được nhiều chuyến nên rất dễ dẫn tới tai nạn. Khi đó, lấy hên nhờ xuất hành ngày chẵn đâu chưa thấy, chứ xui xẻo thì nhãn tiền” - tài xế xe 43H-3439 nói trước khi cho chiếc xe trống rỗng rời bến.

Tây Nguyên, NamTrung Bộ: Khách đi đông về chiều tối

Theo ông Đoàn Hùng Dũng, Chủ hãng xe Minh Dũng, từ mùng bốn, lượng khách đi từ Vạn Dã, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh và Phan Rang về lại TP.HCM đã tăng mạnh. “Xe xuất phát từ các điểm trên phần lớn vào cuối giờ chiều, đầu giờ tối để sáng kịp trả khách ở Bến xe Miền Đông. Đáng chú ý, quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đang xuống cấp, lúc chiều tối mật độ xe trên đoạn này đông nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao” - ông Dũng nói.

Từ Bến xe Nam Buôn Mê Thuột, chiều 7-2, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc bến, thông tin: Từ mùng sáu đến rằm tháng Giêng sẽ là cao điểm đi xe của những người lao động tự do. Giá vé các ngày này đều tăng 60% so với ngày thường. Sau thời điểm trên, giá vé sẽ hạ dần.       Tương tự như đoạn quốc lộ 1A qua tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, quốc lộ 14 từ Buôn Mê Thuột xuống Đăk Nông, Bình Phước hiện có nhiều đoạn rất xấu, trong khi phần lớn xe đi vào đêm nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Miền Tây Nam Bộ: Kẹt đường về TP.HCM

Sáng 7-2, tại bến phà Vàm Cống bờ TP Long Xuyên (An Giang) đã xảy ra tình trạng kẹt phà. Nhiều xe ôtô bị ùn ứ, nối thành hàng dài nhiều kilômét dọc theo quốc lộ 91, từ bến phà cho đến tận cầu Cái Sắn Lớn, giáp ranh với TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Văn Trạng, Giám đốc Cụm phà Vàm Cống, cho biết tại các bến khác như Mỹ Lợi, Đình Khau… thuộc Cụm phà Vàm Cống cũng xảy ra kẹt xe cục bộ tại các bến phà. Nguyên nhân cơ bản vẫn là lượng xe chở khách nhiều lên đáng kể sau tết. Cụm phà đã tăng cường phà dự phòng cho mỗi bến 1-3 chiếc để nhanh chóng giải tỏa ách tắc.

Tại Tiền Giang cũng xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ. Trong hai ngày 5 và 6-2, quốc lộ 1A hướng từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM nhiều đoạn bị ùn ứ nặng. Các nơi bị kẹt nặng nhất là đoạn từ Trạm thu phí cầu Mỹ Thuận tới ngã ba An Thái Trung, cầu An Hữu, thị trấn Cai Lậy (Tiền Giang). Ngày 7-2, Thượng tá Trần Hoài Bảo, Trưởng Phòng CSGT đường bộ và đường sắt, Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết nguyên nhân gây kẹt xe trên quốc lộ 1A là do lượng ôtô, xe máy từ miền Tây về TP.HCM tăng đột biến, các cầu đều hẹp, các phương tiện lưu thông phần nhiều lấn trái, không nhường đường... Hiện Công an tỉnh Tiền Giang đã cử lực lượng túc trực để điều tiết giao thông tại các điểm nóng. Các phương tiện phải rẽ vào đường tỉnh 867, 864 để sau đó xe bốn bánh tiếp tục rẽ vô đường cao tốc, xe hai bánh đi tiếp trên quốc lộ 1A nhằm giảm bớt tình trạng ùn ứ.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm