Tại hội thảo này bên cạnh các vấn đề về pháp lý chưa hoàn thiện để quản lý dạng căn hộ condotel thì các chuyên gia và nhà quản lý đã lần đầu tiên thông tin về số lượng căn hộ condotel tại Việt Nam.
Các đại biểu băn khoăn việc condotel phát triển rầm rộ nhưng vẫn chưa được pháp luật quy định rõ ràng. Ảnh: LÊ PHI.
Theo báo cáo của TS. Phạm Sỹ Liêm (nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng) thì condotel đầu tiên của Việt Nam là toà tháp Nha Trang Plaza 40 tầng gồm: 240 căn hộ 5 sao xây dựng xong năm 2009.
Trong năm 2017, riêng tỉnh Khánh Hoà đã cung cấp 11.872 căn, chiếm 52% nguồn cung condotel cả nước (cả nước có 22.837 căn), số còn lại là các khu vực khác như: Bình Thuận 14,9%; Đà Nẵng 13%, Bình Định 6,6%; Quảng Ninh 5,9%, Phú Quốc 4,3%...thậm chí condotel còn lan đến cả Hà Nội chiếm 1,8%.
TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, thị trường du lịch Việt Nam phát triển nhanh và condotel là loại hạ tầng có thể kịp thời đáp ứng tốc độ phát triển đó. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng nắm bắt các đặc điểm của loại hình bất động sản này, kịp thời xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho condotel phát triển trật tự và hiệu quả.
“Cuối cùng hy vọng xu hướng đầu tư theo bầy đàn, thiếu tiến hành điều tra thị trường của nhiều nhà kinh doanh bất động sản nước ta trong nhánh thị trường condotel sẽ sớm được chấm dứt”, TS Liêm cho hay.
Các dự án condotel phát triển rầm rộ tại Đà Nẵng làm gia tăng áp lực về giao thông, hạ tầng cơ sở nhưng loại hình này chưa biết sẽ quản lý ra sao. Ảnh: LÊ PHI.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM) thì từ năm 2015 đến tháng 9-2017, cả nước đã có 71 dự án condotel, officetel được cấp phép với tổng số 25.639 căn, trong đó có 15.010 căn hộ condotel.
Ông Châu cho hay, hiện nay cũng đang có một nghịch lý là tỷ lệ căn hộ condotel tại Việt Nam chiếm 56%, trong lúc tỷ lệ phòng khách sạn chỉ chiếm 44% là không bình thường. Vì ở các nước khác tỷ lệ phòng khách sạn bao giờ cũng cao hơn căn hộ condotel nên cần phải có giải pháp định hướng phát triển phù hợp, bền vững. Trong hai năm 2018-2019, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 20.000 căn hộ condotel được mở bán.
Về hiện tượng bùng nổ căn hộ condotel mất kiểm soát như hiện nay, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng các dự án condotel bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ năm 2016.
Tính đến hết tháng 2-2018, đã có chín dự án được cấp phép xây dựng với khoảng 9.300 căn trong đó có các dự án có quy mô lớn như: khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (1.969 căn); Ánh Dương-Solied (3.252 căn); dự án Ariyana (1.440 căn); condotel Ngô Quyền Đà Nẵng (864 căn); Hoà Bình Xanh Đà Nẵng (768 căn); tháp CT3&CT7 thuộc dự án Đà Nẵng Times Square (591 căn)…
“Hầu hết các dự án này đã được cấp phép theo hình thức là căn hộ lưu trú ngắn hạn và không hình thành đơn vị ở”, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho hay.
Theo ông Trần Đình Khanh (Phó trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng), mặc dù các dự án condotel đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua nhưng pháp luật hiện hành liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý sử dụng công trình xây dựng (luật đầu tư, luật đất đai, luật xây dựng, luật quy hoạch xây dựng, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản…) mới chỉ quy định cho nhà ở, khách sạn, ký túc xá, nhà khách, nhà nghỉ mà chưa có quy định cụ thể đối với loại hình condotel.
“Do đây là loại hình mới ở Việt Nam, pháp luật chưa quy định cụ thể nên đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cho cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và quản lý vận hành, khai thác condotel”, ông Khanh nói.
Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng cho rằng, sự phát triển rầm rộ và mất kiểm soát về condotel như hiện nay tại khu vực trung tâm và ven biển Đà Nẵng đang gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông đô thị, nhất là góp phần làm tăng thêm tình trạng ùn tắc giao thông. Nhiều dự án chưa đáp ứng quy chuẩn xây dựng, bãi đậu xe…