Khu đất này đang là địa điểm kinh doanh của KDL Vũng Tàu Paradise - một vị trí có thể coi là “đất vàng” của TP Vũng Tàu với địa thế rất đẹp, đồi cát cùng bãi biển trải dài...
Khu vui chơi trẻ em mới chỉ xây dựng một phần và sau đó bị bỏ hoang từ lâu. Ảnh: TK
Một góc sân golf hiện hữu đang khai thác.
25 năm nhưng đầu tư không như cam kết
Công ty LD Vũng Tàu Paradise là công ty liên doanh giữa phía Việt Nam là Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty Paradise Development and Invesment (Đài Loan), được Bộ KH&ĐT cấp giấy phép đầu tư năm 1991, tổng vốn đầu tư là 97,2 triệu USD, thời hạn dự án là 25 năm. Vốn điều lệ 61,8 triệu USD, trong đó bên Việt Nam góp hơn 15 triệu USD bằng quyền sử dụng 220 ha đất.
Mục tiêu của dự án là xây dựng và kinh doanh văn hóa, thể thao và du lịch bao gồm: Khách sạn 1.500 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế ba sao và các công trình dịch vụ kèm theo; khu thể thao dưới nước để bơi, lướt ván, thuyền buồm, nhảy dù, nhào lặn, câu cá…
Một công viên giải trí gồm các làng dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà hát ca múa nhạc dân tộc, vườn chơi của trẻ em, vườn dinh mang phong cách châu Âu, sân golf 27 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, sau 25 năm triển khai hoạt độngi, KDL Vũng Tàu Paradise chưa đạt được mục tiêu như dự án đặt ra. Đến nay, các hạng mục đã hoàn thành và đưa vào hoạt động kinh doanh chỉ gồm sân golf 27 lỗ (diện tích 130 ha), một số hạng mục của khu công viên giải trí nhưng đến năm 2006 hư hỏng do bão đến nay chưa khôi phục lại; khu nhà rông 54 căn với 60 phòng đưa vào hoạt động năm 1997, công viên nước, khách sạn 38 phòng.
Các hạng mục chưa đầu tư theo cam kết là khách sạn 1.500 phòng (mới xong phần móng khu 500 phòng vào năm 1995); khu thể thao dưới nước, công viên giải trí và các công trình dịch vụ kèm theo. Tổng diện tích đất sử dụng không hiệu quả và không sử dụng theo kết luận của Thanh tra Bộ TN&MT (năm 2011) là khoảng 80 ha. Đến nay, công ty đầu tư đạt 57% so với vốn điều lệ cam kết…
Theo giấy phép đầu tư, đến ngày 23-4-2016 là hết thời hạn của dự án. Tháng 3-2016, Công ty LD Vũng Tàu Paradise có văn bản xin phép gia hạn thời gian hoạt động của liên doanh thêm 50 năm. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp thuận. Phương án lựa chọn một nhà đầu tư mới có năng lực khác để đầu tư khu đất vàng trên.
Mong muốn của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là tìm kiếm một nhà đầu tư có năng lực thực sự để xây dựng một dự án du lịch xứng tầm, điểm nhấn cho TP Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung, tránh lãng phí khu đất có diện tích lớn nhất hiện nay tại TP Vũng Tàu để “ươm mầm” những dự án du lịch lớn. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng nhấn mạnh nếu Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise - chủ đầu tư cũ tham gia xét chọn, đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí đề ra thì được tính điểm ưu tiên…
Nhiều nhà đầu tư “khủng” xin ứng thí
Theo nguồn thông tin, sau khi biết tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có chủ trương như trên, có nhiều nhà đầu tư đã liên hệ với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để đặt vấn đề đầu tư vào khu đất Paradise trên. Có thể kể tới ngoài chủ đầu tư cũ thì còn có các “ông lớn” như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Tập đoàn Sebrina Holdings Pte Ltd (Singapore), VinaCapital Investment Management Ltd; Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC)…
Theo tiêu chí tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra, dự án đề xuất phải là một khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, bao gồm một số hợp phần:
Khu dịch vụ, vui chơi giải trí cao cấp (trong đó bao gồm thủy cung, khu biểu diễn nghệ thuật, khu vui chơi giải trí dưới nước); sân golf 27 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế; khu trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, triển lãm, khách sạn đạt tiêu chuẩn năm sao và căn hộ du lịch cao cấp; căn hộ văn phòng, nhà phố phục vụ thương mại; khu chăm sóc sức khỏe cao cấp; khu không gian công cộng. Trong đó xác định khu vui chơi giải trí cao cấp là điểm nhấn, phải dành nhiều quỹ đất để xây dựng, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo nhằm thu hút được khách lưu trú dài ngày.
Nội dung ý tưởng quy hoạch, thiết kế của dự án tại khu Paradise phải kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án, trong đó gắn kết với khu Bàu Trũng (nằm đối diện qua đường Ba Tháng Hai, phường Nguyễn An Ninh) về giao thông, không gian công cộng... Nhà đầu tư căn cứ vào mục tiêu dự án, thực hiện nghiên cứu và đưa ra đề xuất về phương án quy hoạch và các chỉ tiêu sử dụng đất, phương pháp triển khai thực hiện dự án sơ bộ phù hợp.
Về vốn đầu tư, tỉnh yêu cầu tổng vốn đầu tư của dự án (chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tiền thuê đất) phải từ 1 tỉ USD trở lên. Nhà đầu tư phải cung cấp hồ sơ chứng minh vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đăng ký (của dự án) và cung cấp hồ sơ chứng minh có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác theo quy định. Nhà đầu tư phải thực hiện nộp tiền thuê đất một lần.
Tiến độ triển khai thực hiện dự án do nhà đầu tư đề xuất theo phương án đầu tư và quy hoạch được duyệt; đảm bảo triển khai đồng bộ các hợp phần của dự án nhằm tạo ra sản phẩm du lịch cho tỉnh.
Ngoài các tiêu chí trên, nhà đầu tư còn phải đáp ứng các điều kiện như: Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định; thực hiện ký quỹ về đầu tư; tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường; tạo việc làm, nộp ngân sách, có phương án liên kết với các thương hiệu đẳng cấp quốc tế để thu hút đối tượng khách du lịch cao cấp... Đồng thời phải cam kết thực hiện việc ưu tiên đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Tỉnh cũng nhấn mạnh nhà đầu tư được chọn thực hiện sẽ phối hợp với Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise để thỏa thuận giá trị hợp pháp còn lại của hạng mục sân golf 27 lỗ (và các hạng mục phụ trợ phục vụ trực tiếp cho sân golf).
Các nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chí sẽ trình bày phương án để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét, lựa chọn. Sau đó, tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai để nhà đầu tư thuê đất thực hiện dự án.