Theo các chuyên gia, giải pháp mềm cho TP.HCM có thể là tìm cách hạ bớt đỉnh triều của ba sông Sài Gòn – Đồng Nai – Vàm Cỏ để giảm nguy cơ ngập cho TP.
Các chuyên gia cũng phân tích, các giải pháp như xây đê, kè, bờ bao, nâng cao nền, làm nhà nổi... lâu nay thường dùng hiện được xem “giải pháp cứng”. Các giải pháp này can thiệp vào sinh thái nên về lâu dài sẽ có ảnh hưởng nhất định đến hệ sinh thái, cảnh quan, môi trường và ảnh hưởng ngược đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là nông dân.
Trong khi đó, hiện nay có những “giải pháp mềm” như tạo vùng ngập mặn để giảm sóng biển, làm công viên bờ biển để chắn sóng (thay vì xây kè), đổ đất bồi cho bờ biển, tạo bãi san hô nhân tạo, tạo ụ nổi ụ chìm làm tan năng lượng sóng... Muốn thực hiện các giải pháp mềm thì cũng cần nâng cao nhận thức của người dân, cách “sống chung với lũ”, “sống với thiên nhiên” hơn là “khai thác thiên nhiên”.
Giải pháp mềm cho TP.HCM có thể là tìm cách hạ bớt đỉnh triều của ba sông Sài Gòn – Đồng Nai – Vàm Cỏ để giảm nguy cơ ngập cho TP.HCM.
Các chuyên gia cũng đã tìm hiểu các địa phương có các công trình chống ngập và đề cao các giải pháp của người dân như người dân tỉnh Sóc Trăng dùng trụ tre để chống đỡ cho cây con khi trồng cây chắn sóng, ở tỉnh Bến Tre dùng thảm xơ dừa trải bờ biển để tạo “đế” cho hình thành hệ sinh thái bãi biển.
Các chuyên gia của Viện Franzius từng thực hiện các dự án chống ngập như giúp một viện bảo tàng ở Mỹ chống ngập cục bộ bằng “hàng rào”, khi nước dâng lên thì quây rào quanh công trình. Sáng chế hàng rào này có đặc điểm là khi nước càng nhiều thì lực nước càng mạnh, lực càng mạnh thì chân đế rào càng vững chắc chứ không bị xô ngã. Các chuyên gia cũng chống ngập cho một sân vận động ở Bremen (Đức) nằm giữa hai “luồng” sông bằng biện pháp nâng đê, điều tiết nước.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã hướng dẫn công ty EPT làm thủ tục để tiến tới xét duyệt cho thực hiện nghiên cứu trên.