Thay nhau canh hứng nước sạch xuyên đêm
Mấy ngày nay, người dân ở cuối đường ống nước như quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà (TP Đà Nẵng) than trời vì thiếu nước sinh hoạt. Ngay cả trung tâm như quận Hải Châu, một số nơi vẫn thiếu nước.
Nam sinh viên ở trọ trong hẻm đường Phạm Như Xương hứng từng giọt nước để nấu cơm - Ảnh: HẢI HIẾU
Ngồi cầm nồi cơm điện chờ hứng từng giọt nước để vo gạo cho buổi cơm chiều, nam sinh viên học trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, mấy ngày nay phải tắm lúc nữa đêm. Sau khi tắm xong, em phải hứng nước cho đầy các thau, chậu để dành nước cho sinh hoạt sáng hôm sau.
“Mình đàn ông còn đỡ chứ mấy bạn nữ còn tội nghiệp hơn. Nhu cầu tắm rửa, giặt giũ nhiều hơn. Bạn nữ phòng bên cạnh phải lấy thau qua phòng em hứng nước thêm cho đủ để giặt quần áo”, nam sinh này kể.
Tương tự, tình trạng này còn xảy ra ở khu vực khách du lịch sầm uất nhất Đà Nẵng là phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). Anh Đinh Anh Dũng cho biết, nhà anh nước chảy nhỏ giọt từ ngày từ ngày 5-11. Nước chỉ chảy được mạnh hơn vào ban đêm. Gia đình anh có một mẹ già và con nhỏ nên rất cần nước sinh hoạt.
“Tôi phải dậy từ hai giờ sáng để mở nước để ngồi canh hứng vào thùng. Khi buồn ngủ quá thì vợ tôi rat hay thế hứng cho sinh hoạt hôm sau chứ đến sáng là nước không chảy được rồi”, anh Dũng kể.
Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), cho biết rất chia sẻ với bức xúc của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP mấy ngày vừa qua. Hiện nay, lượng nước thô tại cầu Đỏ đã đóng phao, nên lấy nước từ An Trạch. Nếu lấy từ An Trạch thì không đủ cho nhà máy cầu Đỏ và nhà máy nước sân bay sản xuất. Vì hiện chỉ đáp ứng được khoảng 220.000 m3/ngày đêm. Mà nhu cầu sử dụng nước trên toàn TP là khoảng 270.000 m3/ngày.
Từ ngày 20-10 đến nay tại cửa thu nhà máy nước cầu Đỏ, tình trạng nhiễm mặn xảy ra liên tục. Độ mặn cao có ngày lên đến 4.374 mg/l cho thấy đã cao 17,5 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Hiện nay, độ mặn tại nhà máy nước cầu Đỏ là 1.509 mg/l.
Những năm trước, vấn đề nhiễm mặn tại nhà máy nước cầu Đỏ chỉ diễn ra vào mùa hè. Và thường chỉ xảy ra khoảng 2-3 ngày là chấm dứt. Nhưng năm nay, mặc dù đã vào mùa mưa, tuy nhiên nhiễm mặn kéo dài và trầm trọng.
“Theo số liệu thống kê từ năm 2003, chưa có năm nào nhiễm mặn như năm nay. Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn thì lượng mưa sắp tới cũng không nhiều vì hiện tượng El Nino sẽ xảy ra”, ông Hương thông tin.
Ông Hương cho biết, đơn vị đã chủ động liên hệ phối với các thủy điện đầu nguồn. Tuy nhiên, hiện nay nhà máy thủy điện A Vương mức nước xấp xỉ 340 m. Trong khi đó, mức nước đón lũ là 370 m, nên mức nước trong hồ hấp hơn mức nước đón lũ là 30 m. Chính vì thế thủy điện A Vương không góp phần xả nước về hạ du để đẩy mặn.
Còn tại nhà máy Đắk Mi 4 mức nước trong hồ xấp xỉ 240 m, mức nước đón lũ là 251 m. Nhưng trước tình hình nhiễm mặn ở cầu Đỏ, nhà máy Đắk Mi 4 buộc xả về hạ du là 12,5 m3/s để nhằm đảm bảo mực nước tại An Trạch trên 1,5 m. Nếu trạm bơm tại đây dưới 1,5 m thì trạm bơm không thể bơm nước được.
Thế nên, công ty thường xuyên theo dõi mực nước tại An Trạch cũng như các mức nước trên nhà máy các thủy điện. Việc này nhằm liên hệ nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 thường xuyên xả nước để trạm An Trạch hoạt động.
Tuy vậy, trạm bơm An Trạch chỉ đáp ứng được 70% nguồn nuốc cấp cho hai nhà máy hiện tại nên không đủ lượng nước thô để xử lý. Việc này làm lượng nước sạch cấp vào mạng lưới giảm 50.000-70.000 m3/ngày khiến những nơi cuối đường ống như quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn nước chạy nhỏ giọt.
“Bây giờ chúng tôi đã phải dùng đến kịch bản và biện pháp cuối cùng là sẽ cấp nước từng khu vực theo thời gian nhất định trong ngày để đảm bảo khu vực nào cũng có nước sử dụng”, ông Hương nói.
Loay hoay phương án xây dựng nhà máy nước
Theo ông Hương, gần đây, công ty cũng đã nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ. Bên cạnh đó, cũng khởi công nhà máy nước Hòa Trung với 10.000 m3/ngày dự kiến đưa vào hoạt động năm 2019. Nhưng dự đoán việc tăng dân số của TP dẫn đến nhu cầu sử dụng nước lớn dần TP vẫn không thể cung ứng đủ.
Ông Hồ Hương trình bày phương án giải quyết - Ảnh: HẢI HIẾU
Để xử lý triệt thì trong thời tới cần đẩy nhanh xây dựng nhà máy nước Hòa Liên. Dùng đập ngăn mặn tại sẽ tránh được tình trạng nhiễm mặn. Đồng thời, thuê các đơn vị tư vấn nghiên cứu các giải pháp công trình nhằm đảm bảo nguồn nước thô cho các nhà máy. Hiện nay, các phương án công ty đã trình xin các cấp xem xét và chờ quyết định.
Thực tế cho thấy, nguồn nước chính cho Đà Nẵng là từ sông Đắk Mi bắt nguồn từ Quảng Nam. Sông Đắk Mi là thượng nguồn của sông Vu Gia cung cấp nước về cho hạ du Đà Nẵng. Thế nhưng thủy điện Đắk Mi 4 đã đắp đập, bẻ dòng để đưa nước về sông Thu Bồn phát điện. Nếu không đổi dòng thì nước từ sông Vu Gia chảy về không thể làm cho nước Đà Nẵng nhiễm mặn được.
Hiện nay, Đà Nẵng vẫn đang hằng ngày xin nước từ các thủy điện. Nhưng mực nước tại các hồ chứa của thủy điện vẫn đang rất thấp, không đủ nguồn cung cho việc phát điện nên không thể xả nước “cứu” Đà Nẵng.
Vấn đề này đã từng được đưa lên họp bàn, mổ xẻ. Và phương án tốt nhất cho Đà Nẵng là xây dựng nhà máy nước Hòa Liên để chủ động nguồn nước sạch. Thế nhưng, phương án xây dựng nhà máy nước này UBND TP Đà Nẵng cứ thay đổi liên tục đến nay vẫn chưa chốt phương án.