Đà Nẵng: Trắng đêm canh hứng nước dùng

Người dân tổ 91, 92 (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết khoảng hai năm nay, nước máy ngày càng yếu dần khiến đời sống bị đảo lộn. Gần 200 hộ dân phải thức đêm canh để hứng nước vào xô, bể chứa cho nhu cầu sinh hoạt trong ngày.

Chực chờ canh nước cả đêm

Theo chị Nguyễn Thị Thúy Nhung, trước đây khu vực này chỉ có vài chục hộ dân sinh sống, họ dùng nước giếng khoan. Nhưng do bãi rác nằm liền kề, nước giếng dần bị ô nhiễm, đục ngầu nên người dân không dám sử dụng. Sau khi kiến nghị lên chính quyền thì có được nước máy xài miễn phí.

Người dân canh nửa đêm tới rạng sáng để lấy nước. Ảnh: HẢI HIẾU

Được chừng một năm, khu này bùng nổ dân cư, công ty cấp nước tới thu tiền. Mặc dù vậy, nước ngày càng yếu dần, khoảng hai năm nay thì lúc có lúc không. Đỉnh điểm là trong vòng một tháng nay, chỉ nửa đêm nước mới bắt đầu nhỏ từng giọt, gần sáng thì chảy yếu ớt.

“Đêm nào cũng vậy, giật mình dậy là tôi đi xem nước. Nhưng tháng nhà tôi chỉ hứng được 10 khối nước để xài cho bốn người. Tôi có hai đứa con nhỏ, mỗi tháng phải bỏ ra 1 triệu đồng để mua nước bình tắm cho tụi nó” - chị Nhung bức xúc nói.

Ông Trần Quyên (70 tuổi) cũng phải thức đêm canh hứng nước. Nông dân 70 tuổi này không đủ tiền mua bể chứa, chỉ hứng được vào xô, chậu để dùng trong ngày. Có hôm hứng nước không được, ông Quyên phải múc nước giếng để tắm.

Không có nước máy, dù nước giếng bị ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải sử dụng. Ảnh: HẢI HIẾU

“Nước giếng ô nhiễm, nổi màng mỡ, nhưng không có nước máy thì mình làm liều tắm thôi. Có hôm tắm nước giếng xong, mình mẩy ngứa ngáy, gãi cả đêm” - ông Quyên nói.

Theo người dân, khu vực này là cuối đường ống cấp nước của nhà máy. Ban đêm, các khu vực khác không sử dụng nước thì nước ở đây mới có, còn ban ngày thì có mở van cũng không thấy giọt nước nào chảy ra. Khi họ phản ứng dữ dội lên nơi cấp nước thì nước mạnh được vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Một số người có người thân ở khu vực khác thì mang thùng qua chở nước về nhà chứa để dành sử dụng.

Ngoài phường Hòa Khánh Nam, khu vực phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), mặc dù người dân mua đất dự án được hứa hẹn sẽ đầu tư bài bản về các tiện ích nhưng vẫn thiếu nước. Đặc biệt, người dân mua đất thuộc dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính bảo hiểm dầu khí (chi nhánh Đà Nẵng) phải chở nước về dùng.

Người dân mua nước bình dự trữ trong nhà, mỗi tháng lên đến cả triệu đồng. Ảnh: HẢI HIẾU

Đà Nẵng sắp bước vào mùa thiếu nước

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những phản ánh thiếu nước trong thời gian qua, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO), cho biết hiện tại việc cung cấp nước sạch cho người dân ở Đà Nẵng đang gặp nhiều vấn đề. Công ty này đang có nhiều biện pháp ngắn hạn và dài hạn để giải quyết triệt để vấn đề này. Và các dự án lớn dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II-2020.

Cụ thể, vấn đề thiếu nước mấy ngày qua tại khu vực đường Nguyễn Như Hạnh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) khiến hơn 80 hộ dân khốn đốn. Vụ việc này là do đồng hồ bị hỏng, gây nghẽn nước chảy vào khu vực này. Còn tình trạng thiếu nước ở tổ 91, 92 (phường Hòa Khánh Nam) là do đường ống nhỏ.

Theo ông Hương, trước đây, do ở khu vực này ít dân sinh sống nên công ty cấp nước chỉ lắp đường ống 40 cm thì nước chảy rất mạnh. Đến nay, việc bùng nổ dân số thì việc nước yếu là khó tránh khỏi. Những hộ cuối đường ống thì sẽ không có nước.

Không có nước sạch, nước bình được dùng để nấu ăn. Ảnh: HẢI HIẾU

“Chúng tôi đã chở ống 60 cm đến đây rồi, anh em đang đào để lắp ống lớn này. Chắc chắn trong ba ngày nữa sẽ khắc phục được tình trạng nước yếu này” - ông Hương cho hay.

Ông Hương cho biết thêm, hiện tại khối lượng nước sử dụng của người dân chỉ hơn 260.000 m3. Trong khi đó, năng lực đáp ứng của công ty là 290.000 m3.

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, cho biết sẽ thiếu nước vào mùa nắng. Ảnh: HẢI HIẾU

Vấn đề ông Hương lo lắng là dự kiến mùa nắng này nhu cầu sử dụng nước tăng cao, công ty sẽ không đủ nước cung cấp cho toàn TP Đà Nẵng. Nguyên nhân của việc thiếu nước là do hạ tầng cấp nước chưa đáp ứng được. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn.

Công ty cấp nước đã lập các kịch bản thiếu nước gửi cho Sở Xây dựng và UBND TP. Trong đó có phương án nếu thiếu nước ở quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn thì sẽ điều tiết nước ở quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ để chuyển qua. Phương án này sẽ chia nước, vì vậy nước ở hai quận bị điều tiết sẽ chảy yếu lại.

Đó là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài, giữa tháng 5 này sẽ khởi công hai nhà máy cấp nước mới để tăng công suất cấp nước lên 70.000 m3 và lắp thêm tuyến ống 300 cm dọc biển ở quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn bằng 20% vốn cân đối của công ty còn lại là vay ngân hàng.

Phương án lâu dài hơn, công ty đã trình đề án xây dựng 38 km đường ống loại lớn từ 300 cm đến 1,2 m cho toàn hệ thống cấp nước. Nguồn vốn đầu tư sẽ vay từ Ngân hàng châu Á. Dự án này dự kiến sẽ khởi công vào quý I-2019 và đi vào hoạt động thuộc quý II-2020.

Đà Nẵng sắp tăng giá nước mùa nắng

Theo ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc DAWACO, theo quy định thì hai năm sẽ điều chỉnh giá nước một lần nhưng bốn năm nay chưa tăng giá lần nào. Chúng tôi đã trình phương án tăng giá nước trong năm nay và cụ thể như thế nào đang chờ được phê duyệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm