Ngày 26-10, Bộ Xây dựng và Ngân hàng thế giới tổ chức Hội thảo báo cáo đầu kỳ về dự án chuẩn bị Dự án cấp nước an toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP Cần Thơ.
Đại diện bảy tỉnh, thành trong dự án và các chuyên gia tham dự hội thảo với Bộ Xây dựng và Ngân hàng thế giới.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết những năm gần đây, ĐBSCL đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu đã có diễn biến khác so với dự báo và đối mặt với các vấn đề hạn mặn, xâm nhập mặn. Đặc biệt trong năm 2016 đã có 10/13 tỉnh chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn và nhiễm phèn với tốc độ rất cao, vượt xa các kịch bản đã được dự đoán. Điều này dẫn tới số người dân bị thiếu nước sinh hoạt lên đến khoảng 230.000 người.
Theo thứ trưởng Mỹ Linh, chính từ những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh các vấn đề liên quan đến xem xét lại cơ sở hạ tầng thông qua việc điều chỉnh quy hoạch vùng ĐBSCL. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL, làm cơ sở xây dựng dự án cấp vùng và dự án cấp nước từng địa phương trong vùng ĐBSCL…
Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL là dự án đầu tiên được khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào ranh giới hành chính và phù hợp với quy hoạch nước vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2016.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng cùng với Ngân hàng thế giới đã rất tích cực có những chuyến khảo sát, làm việc với các địa phương nhằm xác định mục tiêu, yêu cầu thực tế ở các địa phương nhằm tìm kiếm nguồn vốn cho dự án cấp nước vùng ĐBSCL. Đến nay, Ngân hàng thế giới đã cam kết tài trợ khoản vay 400 triệu USD để đầu tư dự án trong giai đoạn 1.
Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL gồm bảy tỉnh, thành phía Tây Nam sông Hậu (TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, một phần tỉnh Kiên Giang – trừ các huyện đảo và An Giang - trừ các huyện phía Bắc sông Hậu), với diện tích hơn 24 km2 và số dân (năm 2016) là 9,4 triệu người. Dự án tổng thể có vốn đầu tư khoảng 1,7 tỉ USD.
Dự kiến nước thô sẽ được lấy từ sông Hậu sau đó xử lý và truyền dẫn nước sạch đến bảy công ty cấp nước là các đơn vị tiếp nhận (mua sỉ) thông qua mạng lưới tuyến ống truyền tải. Nước đã qua xử lý tại hệ thống cấp nước vùng có thể được công ty cấp nước các tỉnh mua lại để phân phối bán lẻ cho các khách hành ở địa phương đó.