Báo cáo Thủ tướng vụ máy bay VNA đáp nhầm đường băng

Ngày 30-4, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã họp với các đơn vị liên quan về sự cố máy bay đáp nhầm đường băng ở Cam Ranh, Khánh Hòa chiều 29-4.

Rà soát toàn bộ các sân bay

Tại cuộc họp, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả sân bay trên toàn quốc nhằm tìm hiểu xem có sân bay nào xảy ra tình trạng giống như Cam Ranh. Đồng thời đưa ra cảnh báo trên toàn bộ hệ thống, đặc biệt là hoạt động kiểm soát viên không lưu và tổ lái về sự cố trên. “Tuy đây là sự cố hãn hữu nhưng chúng tôi phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng toàn bộ hệ thống nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay” - nguồn tin từ Vietnam Airlines cho biết.

Theo Vietnam Airlines, chiếc máy bay A321 đáp nhầm đường băng đang dừng hoạt động để cơ quan chức năng tiến hành điều tra. Vietnam Airlines đang phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam để làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục. “Khi có kết luận, Cục Hàng không sẽ công bố thông tin cho dư luận” - một lãnh đạo Vietnam Airlines nói.

Đường băng số 2 sân bay Cam Ranh đang được xây dựng. Đây là nơi xảy ra sự cố máy bay đáp nhầm đường băng ngày 29-4. Ảnh: TẤN LỘC

Trong ngày 30-4, Bộ GTVT đã báo cáo vụ việc trên lên Thủ tướng Chính phủ. Bộ cũng gửi văn bản chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không trong nước… tăng cường kiểm tra công tác không lưu cũng như các tổ lái để hoạt động bay được an toàn tuyệt đối.

Hai ngày, liên tiếp hai sự cố

Lúc 14 giờ 53 ngày 29-4, máy bay A321 của Vietnam Airlines số hiệu VN7344, bay chặng TP.HCM-Cam Ranh (SGN-CXR) đã hạ cánh nhầm xuống đường băng số 2 chưa đưa vào khai thác tại sân bay Cam Ranh. Rất may sau khi máy bay hạ cánh, tất cả 203 hành khách đều an toàn.

Được biết thành viên tổ bay gồm bảy người, cơ trưởng là người Mỹ đã bay cho Vietnam Airlines từ tháng 1-2018. Sau vụ việc, Cục Hàng không Việt Nam đã đình chỉ công tác toàn bộ tổ lái cùng toàn bộ kíp trực điều hành bay tại sân bay Cam Ranh để phục vụ điều tra.

Chưa đầy một ngày sau, Vietnam Airlines lại có một sự cố khác. Khoảng 10 giờ ngày 30-4, chuyến bay VN 1233 của hãng bay chặng Hà Nội-Phú Quốc chuẩn bị khởi hành thì phát sinh lỗi ở bộ phận ăngten thời tiết. Sự cố này khiến chuyến bay bị chậm 1 giờ 45 phút so với giờ kế hoạch khai thác ban đầu.

_________________________

An ninh hàng không là vấn đề đặc biệt quan trọng, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Vì vậy, những vụ việc liên quan đến mất an ninh, an toàn hàng không thì phải xử lý nghiêm và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cụ thể là giám đốc cảng hàng không và cấp phó phụ trách an ninh.

Thời gian tới Cục Hàng không phải siết chặt công tác đảm bảo an ninh hàng không. Đồng thời, tập trung đầu tư hệ thống máy móc liên quan đến kiểm soát an ninh hàng không, đảm bảo tiếp cận những công nghệ tối tân nhất.

Ông NGUYỄN VĂN THỂ, Bộ trưởng Bộ GTVT (phát biểu tại cuộc họp về giải pháp tăng cường đảm bảo an ninh hàng không, tháng 4-2018)

Công tác quản lý an ninh trong hoạt động hàng không hiện còn nhiều sơ hở, từ đầu năm đến nay đã xảy ra tám vụ. Năm 2017 còn có vụ người tâm thần lên máy bay mới bị phát hiện, nghĩa là các khâu kiểm tra an ninh lỏng lẻo. Do vậy, cần phải tăng cường đầu tư hơn nữa cho an ninh hàng không. Nhiều nước hiện đã đưa hệ thống kỹ thuật công nghệ cao vào giám sát toàn bộ hoạt động của sân bay.

Thượng tướng BÙI VĂN NAM,Thứ trưởng Bộ Công an 
(phát biểu tại hội nghị nêu trên)

Nguyên nhân có thể do phi công

Việc đáp nhầm đường băng nguy hiểm như thế nào? Một chuyên gia hàng không cho hay đường băng chưa đưa vào khai thác sẽ không đáp ứng các điều kiện hạ cánh. Máy bay đáp xuống dễ bị trượt ra khỏi đường băng hoặc gặp các vật cản dẫn tới tai nạn nghiêm trọng.

Theo cựu phi công Nguyên Khánh Duy, có ba nguyên nhân chính dẫn tới việc máy bay đáp nhầm xuống đường băng đang sửa chữa. Thứ nhất, có thể do nhân viên điều hành bay hướng dẫn sai. Thứ hai, do tổ lái không quan sát kỹ hoặc thực hiện không đúng hướng dẫn của nhân viên không lưu. Thứ ba là lỗi hỗn hợp của cả hai phía.

Thông thường, trong suốt quá trình bay cũng như đáp xuống đường băng, ngoài sự trợ giúp của nhân viên không lưu và hệ thống radar, cơ trưởng còn có sự trợ giúp của cơ phó. “Nếu nhìn qua radar thấy hai đường băng gần nhau, có thể bị nhầm lẫn thì cơ trưởng, cơ phó phải quan sát thật kỹ và trao đổi kỹ để đưa ra quyết định chính xác nhất. Khi không thống nhất được thì phải hỏi lại nhân viên không lưu. Theo tôi, việc đáp nhầm đường băng lỗi chính thường do phi công” - ông Duy nhận định.

Năm 2018 liên tiếp xảy ra các vụ uy hiếp an toàn bay

- Tháng 1 một nữ hành khách đang bị cấm bay nhưng vẫn làm thủ tục, lọt qua cửa an ninh để lên máy bay.

- Ngày 20-2, một máy bay chuẩn bị cất cánh từ TP.HCM đi Singapore thì bất ngờ phát hiện có một người nước ngoài lên nhầm máy bay.

- Ngày 3-3, tại sân bay Vinh, một người tâm thần đã vượt rào, lọt qua nhiều chốt an ninh đột nhập lên máy bay của hãng Vietnam Airlines.

- Cũng trong tháng 3, có hai người xâm nhập sân bay Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) trái phép. Một trong hai người nghiện ma túy. Lực lượng an ninh sau đó đã khống chế hai người này giao cho cơ quan công an xử lý.

- Ngày 20-3, một người quốc tịch Thụy Điển có biểu hiện bất thường, xông vào quậy phá trụ sở của Công ty Quản lý bay miền Nam.

- Ngày 22-3, một nhân viên mặt đất ở sân bay Tân Sơn Nhất đi bộ trên đường công vụ A8, ngay trước mũi một máy bay đang di chuyển vào bến đỗ.

- Đầu tháng 4, lực lượng chức năng tại sân bay Cát Bi phát hiện một con chó nhởn nhơ đi dạo ngay khu vực đầu đường cất hạ cánh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm