Buýt đường sông TP.HCM hoạt động ra sao?

“UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Sở GTVT và giao Sở GTVT rà soát, ký kết thỏa thuận và hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) với Công ty TNHH Thường Nhật về việc đầu tư hai tuyến buýt đường sông đầu tiên ở TP.HCM”. Ngày 15-2, ông Phạm Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý đường thủy Sở GTVT TP.HCM, cho biết.

Hai tuyến buýt sông xuyên tâm

Theo ông Bằng, trước đó UBND TP đã phê duyệt dự án đầu tư hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy (buýt đường sông) đầu tiên của TP. Hai tuyến buýt đường sông này có tổng chiều dài hơn 21 km, chạy từ quận Thủ Đức đến quận 8.

Hai tuyến này sẽ được thực hiện trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ. Cụ thể, tuyến Linh Đông - Bạch Đằng (tuyến số 1) bắt đầu từ bến đò Bình Quới (phường Linh Đông, quận Thủ Đức, cách giao lộ Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân chưa đầy 1 km) theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa (phía phường 28, quận Bình Thạnh) và đổ ra sông Sài Gòn để dừng ở khu vực bến Bạch Đằng (đang được chỉnh trang).

Tuyến nối tiếp là Bạch Đằng - Lò Gốm (tuyến số 2) bắt đầu từ bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (phường 7, quận 7).

Cả hai tuyến này sẽ có buýt chạy trên sông theo hai chiều xuôi ngược. Khu bến trung tâm rộng khoảng 3 ha sẽ được xây dựng tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Ngoài ra, trên các tuyến sẽ có hai bến ở đầu, cuối tuyến và sáu bến đón, trả khách dọc tuyến.

“Sắp tới Sở GTVT sẽ đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư. Kế đến là các công việc bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng bến đón, trả khách, thực hiện dự án. Các khu đất dự kiến xây bến nằm trong hành lang an toàn dọc sông, kênh nên việc giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi” - ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết thêm.

Lộ trình tuyến buýt đường sông 1 dài 11 km từ bến Bình Quới, Thủ Đức đến bến Bạch Đằng, quận 1. Đồ họa: T.HOAN

Kết nối đường bộ

Sở GTVT đánh giá các dự án này sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, góp phần phát triển vận tải hành khách đường thủy và hỗ trợ cho đường bộ vốn quá tải. “Các tuyến buýt đường sông còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bằng đường sông ở TP.HCM” - ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật, nhận xét.

Theo giám đốc Công ty Thường Nhật, chiều dài hai tuyến tương đương nhau, khoảng 11 km. Nếu tính cả thời gian dừng bến đón khách thì chỉ cần 30 phút là tàu buýt có thể hoàn tất lộ trình. Thời gian này chỉ bằng 2/3 thời gian của xe buýt đường bộ trên cùng một tuyến. Để tạo thuận tiện cho việc đi lại của người dân cũng như đảm bảo doanh thu, buýt đường sông phải có sức chứa khoảng 80 chỗ/phương tiện. Dọc hai bên sông của hai tuyến cần có các bến vừa là nơi lên xuống, vừa giữ xe của khách và khai thác kinh doanh. Trong giờ cao điểm, buýt đường sông sẽ hoạt động với tần suất cao và chạy dích dắc để đáp ứng nhu cầu đi dọc, ngang tuyến.

“Bất cứ mô hình giao thông nào, sự kết nối giao thông, đặc biệt với đường bộ là điều kiện cần. Đây là nền tảng cho sự thành bại của dự án nên việc kết nối giữa buýt đường sông với đường bộ (tại các bến - PV) phải được ưu tiên tính đến” - ông Toản nhấn mạnh.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, giá vé nếu không có trợ giá vào khoảng 30.000 đồng/vé/tuyến. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị TP cần trợ giá để giá vé ở mức 10.000-15.000 đồng/vé/tuyến nhằm thu hút người dân.

Kinh phí 120 tỉ đồng

Công ty Thường Nhật đề xuất trước hết nên thí điểm tuyến số 1 và số 2. Sau đó, khi hai tuyến này hoạt động có hiệu quả mới mở rộng ra các tuyến đi An Lộc (quận 12), sang khu vực Miếu Nổi (quận Phú Nhuận), cầu Bình Lợi hoặc về Phú Mỹ Hưng...

UBND TP duyệt dự án theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Dự kiến kinh phí mở bến, mua phương tiện đầu tư hai tuyến trên khoảng 120 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm