Theo đó, phương án thu phí là giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm khoảng 30% so với ban đầu. Cụ thể, phương tiện nhóm 1 (xe 4 chỗ) sẽ giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt. Đây là mức thu thấp nhất trong tất cả dự án BOT trên quốc lộ 1 hiện nay.
Hiện Bộ GTVT đang làm việc với các địa phương để triển khai thu phí trở lại.
Đồng thời mở rộng phạm vi miễn, giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận. Chẳng hạn, đối với thị xã Cai Lậy sẽ áp dụng miễn, giảm thêm xã Long Khánh và phường 2. Đối với huyện Cái Bè giảm thêm xã An Cư, xã Mỹ Hội...
Theo tính toán, với phương án này, thời gian hoàn vốn đầu tư dự án khoảng 13 năm (trước đây dự kiến hơn 7 năm).
Trước đó, Bộ GTVT cho biết phương án này có ưu điểm là không phải bố trí ngân sách Nhà nước hỗ trợ, đồng thời giảm một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại của người dân. Phương án này còn đạt mục tiêu quan trọng của dự án là phân luồng giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy. Nhược điểm là phải kéo dài thời gian hoàn vốn.
Liên quan đến dự án này, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT làm việc với địa phương nghiên cứu, xem xét triển khai theo phương án 1 (giữ nguyên trạm thu phí giảm giá tối đa) để tránh ảnh hưởng dây chuyền đến các dự án khác.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an phối hợp với địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí, xử lý nghiêm những người cố tình chống đối, quậy phá, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
“Bộ GTVT cần sớm xây dựng cụ thể nội dung công việc cần triển khai, thực hiện giảm phí chung cho tất cả các phương tiện, mở rộng vùng giảm phí cho các phương tiện khu vực lân cận trạm,... báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo thực hiện”, Thủ tướng yêu cầu.