Xem xét phương án giảm mức phí cho BOT Cai Lậy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ đánh giá việc triển khai thực hiện các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông và giải quyết các tồn tại, bất cập tại các dự án này.

Đầu tư BOT là cần thiết

Sau khi nghe báo cáo của Bộ GTVT và ý kiến các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT là rất cần thiết và phù hợp với Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Thủ tướng chỉ đạo liên quan đến các dự án BOT giao thông. Ảnh: plo.vn

Theo Thủ tướng, mặc dù còn một số vấn đề bất cập, nhưng đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT để phát triển hạ tầng giao thông là chủ trương đúng đắn trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng mô hình đầu tư này.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội để thực hiện hình thức PPP, trong đó có BOT. Đồng thời, chủ động, nỗ lực rà soát các dự án BOT, tập trung vào các nội dung như vị trí trạm thu phí, chi phí và hiệu quả các dự án BOT.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Bộ GTVT đã chủ động dừng các dự án triển khai theo hình thức hợp đồng BOT trên tuyến đường độc đạo, không phù hợp với Nghị quyết số 437 ngày 21-10-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có 11 dự án lĩnh vực đường bộ và 2 dự án lĩnh vực đường thủy.

Nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tập trung khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập trong các dự án BOT, Thủ tướng nêu rõ chủ trương là cần bảo đảm quyền lợi của cả nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Cụ thể, cần bảo đảm công khai, minh bạch. Đồng thời, có phương án tài chính đúng đắn, không đẩy chi phí đầu tư lên quá cao, thu dồn dập, mức giá không phù hợp với người dân nhưng cũng không vì thế mà đẩy khó khăn cho nhà đầu tư.

Cho rằng cần nghiên cứu giải pháp tổng thể, toàn diện đối với các dự án BOT, Thủ tướng lưu ý việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến các dự án BOT giao thông. Bảo đảm an ninh trật tự đối với các trạm BOT, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối, làm mất an ninh trật tự.

Ưu tiên xem xét  phương án 1

Đối với dự án BOT Cai Lậy, theo ý kiến của các thành viên Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT làm việc với địa phương nghiên cứu, xem xét triển khai theo phương án 1 để tránh ảnh hưởng dây chuyền đến các dự án khác.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an phối hợp với địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình chống đối, quậy phá, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

“Bộ GTVT cần sớm xây dựng cụ thể nội dung công việc cần triển khai, thực hiện giảm phí chung cho tất cả các phương tiện, mở rộng vùng giảm phí cho các phương tiện khu vực lân cận trạm,... báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo thực hiện”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng giao cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo, xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc 2 dự án đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được thu phí hoặc chỉ được thu một phần (QL3 Thái Nguyên - Bắc Kạn, QL10 đoạn La Uyên - Tân Đệ) và nhóm dự án sụt giảm doanh thu thực tế so với doanh thu theo phương án tài chính ban đầu như Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan, hầm Đèo Cả: “Tinh thần là phải vào cuộc quyết liệt để giải quyết sớm”, Thủ tướng nói.

Liên quan đến dự án Cai Lậy, theo nguồn tin của Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh, hiện nay phương án 1 cũng đang được Bộ GTVT ưu tiên xem xét.

Như đã từng thông tin, Bộ GTVT, cho biết phương án 1 giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm khoảng 30% so với ban đầu. Lúc này các phương tiện nhóm 1 (xe 4 chỗ) sẽ giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt.

Đây là mức thu thấp nhất trong tất cả các dự án BOT trên QL1 hiện nay. Đồng thời mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận. Đối với thị xã Cai Lậy sẽ áp dụng miễn giảm thêm xã Long Khánh và phường 2. Đối với huyện Cái Bè giảm thêm xã An Cư, xã Mỹ Hội. Giảm giá 100% cho các loại xe buýt và các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh.

Theo tính toán, với phương án này, thời gian hoàn vốn đầu tư dự án khoảng 15 năm 9 tháng.

Bộ GTVT phân tích phương án này có ưu điểm là không phải bố trí ngân sách Nhà nước hỗ trợ, đồng thời giảm một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại của người dân. Phương án này còn đạt mục tiêu quan trọng của dự án là phân luồng giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy. Nhược điểm là phải kéo dài thời gian hoàn vốn.

Phương án 2, lập thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả 2 trạm. Lúc đó, trạm trên quốc lộ 1 sẽ thu giá 15.000 đồng/lượt, trạm trên tuyến tránh thu giá 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện nhóm 1.

Ưu điểm của phương án này là giảm một phần phản ứng của một bộ phận người sử dụng. Tuy nhiên, phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng thêm trạm ở vị trí mới khoảng 90 tỉ đồng, địa phương phải bố trí thêm diện tích giải phóng mặt bằng để làm trạm.

Phương án này sẽ dẫn đến tình trạng các phương tiện tập trung đi trên quốc lộ 1 do mức giá trên quốc lộ 1 thấp hơn tuyến tránh, gây ùn tắc, tai nạn giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm