Lôm côm vỉa hè khu vực trung tâm

Từ ngày 24-8 đến 29-9 Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP sẽ tham vấn ý kiến nhân dân về việc thực hiện nếp sống văn minh và mỹ quan đô thị.

Nhiều nơi còn chệch choạc

Trên các tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Công Trứ (quận 1), tiểu thương vô tư trưng hàng trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống cả lòng đường ngay dưới băng rôn tuyên truyền mức phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng về những hành vi ấy. Tại đường Nguyễn Công Trứ vào buổi chiều, các hộ kinh doanh hàng ăn bày bàn ghế choán hết lối đi, thậm chí khi trời mưa, chủ quán còn đóng cọc bao quanh và che bạt phủ kín vỉa hè. Còn ngay sau vách trụ sở UBND quận 1, vỉa hè đường Nguyễn Văn Bình được trưng dụng làm nơi để xe cho người dân vào ủy ban liên hệ công việc.

Lôm côm vỉa hè khu vực trung tâm ảnh 1

Người đi bộ phải tràn xuống đường vì vỉa hè bị chiếm dụng trên đường Đặng Thái Thân, quận 5.

Tại quận 5, con đường Đặng Thái Thân thường xuyên bị lấn chiếm làm chợ tự phát và giữ ôtô, xe máy dù con đường này được chọn là một trong những tuyến đường trọng điểm về trật tự đô thị và an toàn giao thông. Đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) cứ tới 5 giờ chiều, vỉa hè trở thành nơi bày bàn ghế của các quán nhậu.

Quản lý không xuể

Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết từ khi triển khai thực hiện Quyết định 74, quận 1 đã tước 503 giấy phép kinh doanh một phần vỉa hè do vi phạm quy định, 13.652 vụ buôn bán trên vỉa hè sai quy định, gần 29.000 vụ để xe bừa bãi… với tổng số tiền phạt hơn 4,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên rất khó để giải quyết trong ngày một ngày hai. Thời gian tới, quận sẽ làm việc với lực lượng thanh niên xung phong TP bàn giao việc quản lý và xử phạt đối với tất cả trường hợp giữ xe trái quy định.

Đối với việc dẹp các hành vi kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè, ông Hòa giải thích, do quận 1 có địa thế phức tạp và có nhiều đặc thù mang tính lịch sử nên cần phải có cả một lộ trình để lập lại trật tự vỉa hè. Quận chia ra thành từng nhóm đối tượng cụ thể để có phương án và mức độ xử lý phù hợp. Với nhóm các hộ gia đình kinh doanh tại mặt tiền đường, quận kiên quyết xử phạt nặng nếu vi phạm; với nhóm lao động nghèo kiếm sống chủ yếu trên vỉa hè thì sẽ phối hợp với UBND các phường để sắp xếp công ăn việc làm hoặc những địa điểm buôn bán phù hợp. Riêng đối với các trường hợp buôn bán hàng rong từ nơi khác đến thì sẽ làm mạnh tay “nếu không thì quận 1 sẽ biến thành chợ” - ông Hòa nói. Riêng việc sử dụng vỉa hè đường Nguyễn Văn Bình làm điểm giữ xe cho người dân vào liên hệ công việc tại UBND quận 1, Phó Chủ tịch Lưu Trung Hòa hứa sẽ cho giải quyết ngay theo quy định.

Lôm côm vỉa hè khu vực trung tâm ảnh 2

Vỉa hè đường Lý Thường Kiệt, quận 10 bị lấn chiếm làm nơi buôn bán.

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10, thừa nhận là rất khó để có thể giải quyết hết những tồn tại như hiện nay. Quận đang rà soát lại toàn bộ hoạt động tại vỉa hè trên toàn địa bàn và sẽ có kiến nghị lên Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP trong đợt tham vấn ý kiến nhân dân về văn minh đô thị sắp tới.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm