Ngày 3-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng Thường trực UBND TP nghe báo cáo lập quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
Theo kịch bản phát triển mà đơn vị tư vấn đưa ra, mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM là TP biển, đô thị toàn cầu, bền vững, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Là TP có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh và số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính… có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ trở thành TP biển, đô thị toàn cầu, bền vững, kinh tế, văn hoá đặc sắc, chất lượng sống cao, hạt nhân vùng TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và cực tăng trưởng của cả nước.
Chủ thể hưởng lợi vẫn là người dân, doanh nghiệp
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng cần điều chỉnh cách thể hiện quy hoạch để người dân đang sống ở TP thấy được lợi ích và giá trị mang lại khi thực hiện hai quy hoạch quan trọng này.
“Vấn đề trực diện với người dân là làm sao nâng cao mức sống, điều kiện hưởng thụ khi là công dân TP” - ông nói và nhìn nhận khi TP xây dựng quy hoạch, chủ thể hưởng lợi vẫn phải là người dân, doanh nghiệp. Ông cho rằng cần làm rõ điều này để người dân thấy mình là trung tâm của quy hoạch và đồng tác giả khi triển khai quy hoạch này.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng cần nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng sống của người dân, TP là nơi xứng đáng để nhà đầu tư trên thế giới tìm đến. Riêng với khái niệm đô thị toàn cầu, TP biển cần được cân nhắc.
Theo GS Hoài, Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị không đề cập rõ ràng về TP biển ở TP.HCM. Do đó, việc đặt tầm nhìn một TP biển chưa có cơ sở về mặt nghị quyết. Ngoài ra, về điều kiện tự nhiên thì biển ở TP.HCM không bằng so với biển ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Cần Giờ có biển nhưng chỉ có tiềm năng để bảo tồn về môi trường, là lá phổi cho TP” – GS Hoài nói.
TS Trần Du Lịch, Tổ trưởng Tổ Tư vấn phản biện quy hoạch TP, cho biết đã đến lúc “nộp bài” quy hoạch. Ông cho rằng xây dựng quy hoạch TP.HCM không nên tự trói mình để có dư địa sau này.
Về mục tiêu xây dựng TP.HCM là TP biển, TS Lịch cho rằng trong tương lai nếu phát triển được khu lấn biển ở huyện Cần Giờ thì TP sinh thái biển chính là TP Cần Giờ thuộc TP.HCM, chứ không phải TP.HCM.
TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết ông hiểu khát vọng TP.HCM muốn phát triển hướng biển, song ông thiên về cụm từ kinh tế biển hơn là đô thị biển.
“Chúng ta thấy đô thị biển không phải thế mạnh của TP, rõ ràng chúng ta thua hẳn Bà Rịa – Vũng Tàu, chúng ta không cạnh tranh thế yếu mà cạnh tranh thế mạnh” – ông Sơn nói và nhấn mạnh TP cần tập trung vào phát triển kinh tế biển.
Theo ông, kinh tế biển là vấn đề của Trung ương nhưng TP.HCM là trung tâm của vùng nên đặt ra vấn đề này.
Ông cho rằng trong kinh tế biển, trục động lực quan trọng là phải kết nối bốn tỉnh, thành đang đóng góp ngân sách lớn nhất là TP.HCM (đại diện TP Thủ Đức), Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận tiềm năng của khu vực này rất lớn nhưng chỉ mới phát huy khoảng 2-3 điểm so với 10 điểm.
“Chúng ta phải kết nối được trung tâm công nghiệp của Bình Dương, Đồng Nai, TP Thủ Đức, Bà Rịa- Vũng Tàu với ba cụm cảng, sân bay Long Thành, hệ thống đường sắt” – KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Ông cũng đề nghị phải phát triển cảng biển, không nhất thiết TP.HCM làm chủ mà phải là hưởng lợi từ nó. Từ đó, ông đề xuất nhấn mạnh công nghiệp phải được vận chuyển từ đường sắt ra thẳng cảng biển.
“Không còn xe container chạy nữa mà đường sắt vận chuyển hàng lên tàu chở đi, đây là hình thức tiên tiến trên thế giới mà quy hoạch Vùng không nói được, quy hoạch TP.HCM không tác động được” – ông phân tích.
'Chỉ đọc, góp ý và để tư vấn làm là không được!'
Kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định đây là giai đoạn về đích trong xây dựng quy hoạch TP.HCM, do đó cần tập trung thời gian, nhân lực để hoàn thiện tốt nhất có thể.
“Chúng ta giữ nguyên tắc quy hoạch đủ rõ để làm nhưng đừng quá chi tiết để rồi tự trói mình” – ông Mãi nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, qua góp ý của các chuyên gia, có vẻ đơn vị tư vấn làm chưa tới nhưng ông cho rằng “chưa tới là do chúng ta”, do các sở, ngành chưa giúp tới nên đơn vị tư vấn chưa thể hiện được và do các phó chủ tịch UBND TP phụ trách mảng này chưa sát.
“Phải với tinh thần như vậy mới có quy hoạch tốt chứ chỉ đọc rồi góp ý, còn lại để tư vấn làm là không được vì quy hoạch là của chúng ta, tư vấn chỉ giúp thôi” – ông nhấn mạnh và đề nghị chỗ nào chưa đồng ý thì các bên phải ngồi xem lại.
Ông cũng giao Sở QH-KT hoàn thiện kịch bản đô thị và giải cho được mô hình không gian đô thị, không bị lệ thuộc bởi địa giới hành chính. “Chúng ta có đô thị trung tâm, đô thị phía Đông, phía Nam, Tây Bắc, Tây Nam, chúng ta định ra tên từng huyện, vùng như thế và chúng ta cố gắng tránh khái niệm, nội dung có thể chưa rõ, gây hiểu lầm, tranh cãi – ông nói thêm.
Quy hoạch mở nhưng không tự trói chân
Quy hoạch TP.HCM phải làm sao đủ rõ, đủ khả thi để làm nhưng cũng có linh hoạt nhất định, độ mở không quá mở nhưng phải mở chứ không trói, đặc biệt không tự trói chân mình.
Chúng ta quy hoạch tới đâu để quy định tổ chức thực hiện được ngay, không cần quy định chi tiết, cụ thể nữa nhưng cũng không chi tiết tới mức khi ban hành ra lại không làm được, phải sửa đổi.
Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI