TP.HCM kiến nghị Trung ương hướng dẫn để các quy hoạch không ‘chỏi’ nhau

(PLO)- TP.HCM kiến nghị các cơ quan Trung ương ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn chi tiết trường hợp vừa thực hiện quy hoạch thành phố vừa thực hiện quy hoạch chung xây dựng tại các thành phố trực thuộc Trung ương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM kiến nghị các các cơ quan Trung Ương ban hành Thông tư, Nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện trong trường hợp vừa thực hiện quy hoạch TP cùng với quy hoạch chung xây dựng tại các thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng lúc thực hiện nhiều quy hoạch, dễ mâu thuẫn nhau

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM báo cáo giám sát thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn TP giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2023.

Theo UBND TP, Luật Quy hoạch quy định về nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương. Ở quy hoạch tỉnh, nội dung của phương án tích hợp hệ thống đô thị nông thôn sẽ thay thế cho quy hoạch chung xây dựng tỉnh.

Bên cạnh đó, Nghị định số 37/2010 quy định TP trực thuộc Trung ương phải lập quy hoạch chung xây dựng và đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia. Tuy nhiên, quy định không yêu cầu rõ về nội dung phần phương án tích hợp hệ thống đô thị nông thôn trong quy hoạch đô thị khi có quy hoạch TP.

“Như vậy, đối với các đô thị trực thuộc Trung ương sẽ có cùng một lúc quy hoạch TP (theo Luật Quy hoạch) và quy hoạch chung xây dựng (Theo Luật Quy hoạch đô thị). Thế nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hoặc thông tư, nghị định nào hướng dẫn nội dung tích hợp hệ thống đô thị nông thôn vào các đồ án ra sao để tránh bị trùng lặp” - UBND TP cho biết.

Hiện nay, đơn vị tư vấn lập quy hoạch đồ án tự đề xuất phương án quy hoạch theo hướng chỉ cần đảm bảo không bị mâu thuẫn giữa hai loại quy hoạch TP và quy hoạch chung xây dựng TP, quy hoạch nào làm sau sẽ tham khảo nội dung của quy hoạch làm trước.

“TP kiến nghị các các cơ quan Trung ương ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện trong trường hợp vừa thực hiện quy hoạch thành phố cùng với quy hoạch chung xây dựng tại các thành phố trực thuộc Trung ương” - văn bản của UBND TP đề xuất.

Trước đó khi có ý kiến về vấn đề này, nhiều chuyên gia quy hoạch cũng cho rằng các quy hoạch ở TP.HCM đang ‘chỏi’ nhau. TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM cũng cho rằng nên bỏ quy hoạch tỉnh (quy hoạch kinh tế xã hội) đối với TP trực thuộc Trung ương như TP.HCM.

“TP có 2 quy hoạch là kinh tế xã hội và quy hoạch chung. Thật ra, nếu muốn làm quy hoạch chung thì phải làm nghiên cứu kinh tế xã hội trước, còn trong quy hoạch kinh tế xã hội cũng phải có định hướng không gian. Vì vậy, 2 quy hoạch này trùng nhau. Tôi đề xuất TP trực thuộc Trung Ương thì chỉ cần một quy hoạch chung là đủ. Giảm bớt một quy hoạch, tức giảm bớt kinh phí cho Nhà nước.”

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM

“Hiện nay, chúng ta đang lấy ý kiến để hợp nhất 2 luật: quy hoạch và đô thị và Luật Xây dựng để kéo đô thị và nông thôn thành một thể thống nhất, để thấy được mối quan hệ tương tác trong tổng thể đô thị” - ông Phạm Ngọc Tuấn, Khoa quy hoạch, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM phân tích.

Theo ông Tuấn, những đô thị đặc biệt (như TP.HCM) có nông thôn trong đô thị. Tuy nhiên, bản thân trong các huyện cũng có yếu tố đô thị nhưng đô thị là như thế nào? Chúng ta quy định đô thị phải có mật độ cao nhưng bản thân mật độ cao cũng có nhiều khái niệm nên cần có định nghĩa rõ hơn.

quy hoạch.JPG
Công tác quy hoạch ở TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ảnh minh họa: Kiên Cường

Gặp khó khi quy hoạch TP Thủ Đức

Ngoài vấn đề chồng chéo quy hoạch, UBND TP cũng kiến nghị nhiều bất cập liên quan đến quy hoạch TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Thông tư số 04/2022 của Bộ Xây dựng chưa quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch chung TP thuộc TP trực thuộc Trung ương.

Do đó, UBND TP cho biết hiện nay nội dung hồ sơ đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đang thực hiện theo quy định: nội dung hồ sơ đồ án quy hoạch chung thành phố, thị xã, đô thị loại IV trở lên chưa được công nhận là thành phố, thị xã; đô thị mới dự kiến là thành phố, thị xã thuộc tỉnh.

“Đối với thành phố Thủ Đức (được xác định tính chất là đô thị loại 1), theo quy định nêu trên thì không có nội dung nghiên cứu quy hoạch đối với khu vực đô thị trung tâm. Điều này chưa thể hiện được khu vực quan trọng trong TP, không thể hiện được các yêu cầu về chia sẻ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và những nhu cầu, tiêu chuẩn đặc thù của TP.HCM (đô thị đặc biệt)” - báo cáo của UBND TP nêu thực trạng.

Ngoài ra, theo Luật Quy hoạch đô thị 2009, tại Điều 18 (Các loại quy hoạch đô thị) và Điều 19 (Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị) chưa quy định về loại quy hoạch và trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị đối với TP thuộc TP trực thuộc Trung ương.

“Do đó, hiện nay công tác nghiên cứu và lập Đồ án Quy hoạch chung Thủ Đức đang vận dụng theo điểm 18.1.a (TP thuộc tỉnh – TP loại I) và điểm 19.3 (UBND TP thuộc tỉnh tổ chức lập quy hoạch chung TP thuộc tỉnh), áp dụng gần đúng chứ không tuyệt đối đúng theo các điều khoản của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009” - UBND TP phân tích.

Vì vậy, TP.HCM kiến nghị cần bổ sung các quy định trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đối với đơn vị hành chính TP thuộc TP trực thuộc Trung ương tại các Nghị định số 37/2010, Nghị định số 44/2015 và Nghị định số 72/2019 của Chính phủ và Thông tư số 04/2022/TT-BXD.

Lúng túng khi lồng ghép biến đổi khí hậu vào quy hoạch

Theo UBND TP.HCM, hiện nay công tác lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào công tác quản lý chuyên ngành còn chưa cao. Hơn nữa, việc phối hợp các sở - ngành thành phố thực hiện nhiệm vụ để triển khai quyết định của các bộ ngành Trung ương liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu còn lúng túng.

Do đó, TP đề nghị Bộ Xây dựng sớm triển khai danh mục chương trình, dự án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đến 2025 và hướng dẫn thực hiện để các tỉnh thành có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm