“TP.HCM có 3 quy hoạch không giống nhau, không phục vụ cho nhau. Đó là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch kinh tế xã hội. 3 quy hoạch tưởng là tương đồng, tưởng là phục vụ cho nhau nhưng thực tế đang ‘chỏi’ nhau” - ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TP.HCM phát biểu tại Hội thảo góp ý cho dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều 22-4.
Quy hoạch này vênh quy hoạch kia
Tại hội thảo, ông Hoàng Minh Trí nêu thực tế quy hoạch kinh tế xã hội và quy hoạch chung hiện nay ngay cả niên hạn nghiên cứu cũng không giống nhau.
“TP vẫn đang ráo riết triển khai 2 quy hoạch là quy hoạch đến 2030 – tầm nhìn 2050 và quy hoạch đến 2040 – tầm nhìn 2060. Chúng tôi đã góp ý rất nhiều lần vấn đề này, làm sao tiết kiệm kinh phí cho TP, bởi 2 quy hoạch hiện nay đang vênh nhau”, ông Trí nói.
Theo ông Trí, về quy hoạch sử dụng đất thực tế không góp phần phát triển đô thị. Hàng năm các địa phương đều có kế hoạch làm bao nhiêu dự án giao thông, có bao khu đô thị nhưng không thể chính xác được lộ giới của dự án là bao nhiêu (ở bước báo cáo tiền khả thi mới có thể xác định được), hay như trong một khu dân cư cũng không thể khái toán chính xác bao nhiêu m2 đất dành cho công trình công cộng…
Đồng tình, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM cũng cho rằng nên bỏ quy hoạch tỉnh (quy hoạch kinh tế xã hội) đối với TP trực thuộc Trung ương như TP.HCM.
“TP có 2 quy hoạch là kinh tế xã hội và quy hoạch chung. Thật ra nếu muốn làm quy hoạch chung thì phải làm nghiên cứu kinh tế xã hội trước, còn trong quy hoạch kinh tế xã hội cũng phải có định hướng không gian. Vì vậy 2 quy hoạch này trùng nhau. Tôi đề xuất TP trực thuộc Trung Ương thì chỉ cần một quy hoạch chung là đủ. Giảm bớt một quy hoạch, tức giảm bớt kinh phí cho nhà nước” - ông Cương nói.
Lệch 1m cũng không thể thực hiện
“Hiện nay chỉ cần quy hoạch chung TP với quy hoạch 568 (Điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020) lệch nhau 1m là chúng ta đã không làm được dự án, đây là bất cập” - ông Hà Minh Tân, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè dẫn chứng.
Theo ông Tân, chúng ta chỉ nên làm quy hoạch theo quan điểm quy hoạch chung TP là định hướng còn tới giai đoạn quy hoạch phân khu thì mới cần chi tiết. Như Nhà Bè đang đô thị hóa rất nhanh, các trục đường giao thông huyết mạch ngày càng phát triển nên cần định hướng quy hoạch để sau này dễ quản lý hơn.
“Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là cái chung để chúng ta triển khai. Tuy nhiên, quy hoạch mới phải đảm bảo tuân thủ quy hoạch cũ, không để ảnh hưởng đến địa phương và các nhà đầu tư” - ông Nguyễn Phong Nhật, Phó Trưởng ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc đề xuất.
Ông Nhật cho rằng đơn vị tư vấn đang giúp sức cho TP.HCM điều chỉnh quy hoạch chung nên sắp tới cần tuân thủ theo đúng điều này, tránh tình trạng quy hoạch sau lại phủ lên quy hoạch trước và sẽ xảy ra sự trùng lắp, mâu thuẫn, xung đột giữa việc thực hiện các quy hoạch.
Ngoài ra, các địa phương khác chỉ có khu kinh tế, khu chức năng khác, nhưng TP.HCM thì lại có khu đô thị với quy mô rất lớn nên cần bổ sung từ ngữ (trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn) khu đô thị, khu đô thị mới, để khi triển khai thực hiện chúng ta không phải xin ý kiến lần nữa.
Ghi nhận các ý kiến góp ý, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TP.HCM, cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo về UBND TP.HCM. Đồng thời, đoàn cũng sẽ gửi các ý kiến cho đơn vị chủ trì dự án luật và gửi cho các đại biểu của đoàn để chuẩn bị cho chương trình thảo luận tổ và thảo luận tại nghị trường Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này.
“Trong quá trình hoàn thiện thêm của dự án luật thì Đoàn đại biểu sẽ tiếp tục lấy thêm ý kiến của các chuyên gia, các đơn vị liên quan để tiếp tục góp ý cho đến khi thông qua để làm sao tạo thuận lợi nhất trong quá trình thực hiện quy hoạch của TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và cả nước” - ông Thắng kết luận.