Trước đó, UBND TP.HCM đã nhận được Công văn số 2747/2023 của Thanh tra Chính phủ về báo cáo kết quả thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng từ năm 2015 đến năm 2022.
UBND TP đã giao Sở QH&KT TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, thống kê, báo cáo nội dung theo đề cương. Sau khi rà soát, tổng hợp, UBND TP đã có văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ.
Không có hồ sơ gốc để đối chiếu, giải trình khi thanh tra
“Công tác lưu trữ hồ sơ chưa đảm bảo nên không có hồ sơ gốc để đối chiếu, giải trình khi thanh tra; không có đủ hồ sơ thể hiện việc phân tích, đánh giá hiện trạng, xác định rõ các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang đô thị để đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu về sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao công trình (quận 8, quận 12)”, báo cáo của UBND TP nêu nhận xét, đánh giá, kết luận về các tồn tại, hạn chế phát hiện qua thanh tra.
Ngoài ra, thanh tra cũng chỉ ra có đơn vị có hồ sơ không có biên bản họp hội đồng thẩm định quy hoạch quận, không có báo cáo kết quả thẩm định (quận 8).
“Về thành phần hồ sơ: Có trường hợp không có hồ sơ thể hiện việc rà soát trước khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch đô thị theo Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; không lập báo cáo về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đô thị xem xét theo khoản 1 Điều 51 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009”, báo cáo nêu rõ.
Trường hợp thiếu sót về thành phần hồ sơ nói trên là ở quận 5 với đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 khu dân cư Liên phường 5, 6,10 (tại khu đất 118 - 120 đường Hải Thượng Lãn Ông).
“Có trường hợp phòng quản lý đô thị thực hiện ký kết hợp đồng tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch với đơn vị tư vấn khi UBND TP chưa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu là chưa đảm bảo theo quy định tại Điều 24 Luật Quy hoạch đô thị (trường hợp của UBND quận Tân Bình)”, báo cáo tiếp tục nêu về ví dụ cụ thể.
Bên cạnh đó, một số phòng quản lý đô thị chưa mạnh dạn kiến nghị, đề xuất trong công tác lập quy hoạch đối với các dự án cao tầng để tạo điểm nhấn đô thị trên địa bàn quận (về các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc như hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao công trình,...) nên các chỉ tiêu quy hoạch của các dự án còn thấp, chưa thu hút được sự đầu tư của doanh nghiệp (quận 4).
Việc công khai quy hoạch cũng còn một số có thiếu sót như công bố thiếu đồ án quy hoạch (quận 12 thiếu 6/12 đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/500, 11/42 đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/2000), thiếu nội dung điều chỉnh (quận Gò Vấp).
Khó khăn trong cắm mốc giới quy hoạch
“Việc cắm mốc giới và thực hiện quản lý mốc giới: Ghi nhận nhiều trường hợp chưa tham mưu UBND quận tổ chức thực hiện cắm mốc giới đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Thông tư số 10/2016/TT- BXD ngày 15-3-2016 của Bộ Xây dựng về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng”, báo cáo của UBND TP cho biết.
Việc này xảy ra ở các như: quận 4 (11 đồ án), quận 5 (1 đồ án), quận 8 (các đồ án 1/500, 1/2000), quận 11 (2 đồ án), quận 12 (42 hồ sơ điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000), quận Tân Bình (chưa cắm mốc giới quy hoạch đô thị theo kết luận thanh tra Bộ Xây dựng năm 2018 với 15 đồ án…), quận Gò Vấp (4 phân khu chức năng và 2 tuyến đường), khu Tây Bắc chưa cắm mốc giới 9 khu chức năng và 1 dự án).
Theo UBND TP, nguyên nhân về việc chậm trễ trong công tác tham mưu cắm mốc giới và thực hiện quản lý mốc giới là do nhiều vị trí cần cắm mốc thuộc nhà đất của tổ chức, cá nhân. Chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc vận động nhân dân vì công tác cắm mốc giới sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực quy hoạch.
Thêm nữa, kinh phí ngân sách Nhà nước cho việc cắm mốc là rất lớn và hiện nay trên địa bàn TP chỉ bố trí vốn để thực hiện thí điểm đối với công tác này.
Trao đổi với PLO, ông Đỗ Nguyên Phong, Trưởng phòng Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, cho biết khó khăn hiện nay đối với nội dung cắm mốc giới là nội dung này chưa được hướng dẫn cụ thể trong các nghị định, thông tư, văn bản pháp luật. Hiện nhiều người vẫn nghĩ một số tuyến đường công cộng là cần cắm mốc.
Theo ông Phong, như việc mở rộng các tuyến đường theo quy hoạch dự kiến thì mốc cần cắm lại rơi vào nhà dân vì thế nên công tác này thật sự là khó khăn và khó để thực hiện đầy đủ.
“Ngoài ra, kể cả khi người dân đồng ý thực hiện việc cắm mốc vào nhà mình thì cơ quan chức năng hay người đi cắm mốc cũng không trả lời được câu hỏi của người dân là sau khi cắm mốc thì khi nào mới triển khai dự án. Khó khăn trên thực tế là có thật và cũng rất khó khi TP phải trả lời cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý quy hoạch về công tác này”, ông Phong nói thêm.
UBND TP.HCM kiến nghị biện pháp xử lý
Đối với các tồn tại, thiếu sót liên quan đến thực hiện nghiệp vụ (về công khai quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch, chuẩn bị hồ sơ trình phê duyệt, lập nhiệm vụ,...), UBND TP đã giao Chủ tịch UBND các quận/huyện chỉ đạo của phòng quản lý đô thị và các cá nhân, tổ chức có liên quan khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh những hạn chế đã được đoàn thanh tra chỉ ra.
Đối với việc chưa tổ chức cắm mốc giới do thiếu kinh phí, UBND TP đã giao chủ tịch UBND quận/huyện giao phòng quản lý đô thị phải tổng hợp, lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện được hết các dự án.