Chiều 3-5, kết luận phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 4-2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận dù kinh tế - xã hội TP đang tiếp tục đà tăng trưởng của quý I nhưng vẫn có một số vấn đề cần nhìn nhận.
Công việc chùn lại do phải làm báo cáo?!
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, sau kết quả của quá trình chạy nước rút về đích cuối năm 2023 và nỗ lực trong quý I-2024 thì kết quả giải ngân đầu tư công tháng 4 này rất thấp.
Bên cạnh đó, việc giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp cũng chậm lại và đạt được kết quả ít hơn. “Phần nạc chúng ta dùng rồi, giờ còn phần xương thì lâu hơn” – ông nói và đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết dứt điểm.
Cũng theo ông, sự phục hồi của thị trường là nhân tố chính đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của TP nhưng đang rất khó khăn. Do đó, cần nhận diện và nỗ lực trong các tháng còn lại của năm 2024 và không được chủ quan.
“Sau quý I, chúng ta tăng trưởng khá hơn mức bình quân chung của cả nước nhưng không có nghĩa quý II vẫn như thế nếu chúng ta không có giải pháp, tiếp tục nỗ lực” – ông nói.
Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận công tác điều hành thực hiện các nhiệm vụ tại đơn vị và phối hợp giữa các đơn vị với nhau vẫn chưa tốt. Thậm chí, có những thời điểm có phần chùn lại, nhất là ở các đơn vị phải thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra phục vụ đoàn thanh tra.
“Các đồng chí có thể giải thích là đang dành thời gian để làm báo cáo, phục vụ đoàn kiểm tra, thanh tra nhưng có hay không việc chúng ta hơi ngại” – ông nói và đề nghị lãnh đạo sở, ngành, địa phương, đơn vị phải phân tích những điểm lo sợ đó và khắc phục.
Giám sát tiến độ hàng ngày đối với nhà thầu Thuận An
Đi sâu vào vấn đề giải ngân đầu tư công, ông Phan Văn Mãi đề nghị từng chủ đầu tư, các cơ quan liên quan phải nghiêm túc kiểm điểm để có giải pháp thực hiện. Bởi kết quả giải ngân đầu tư công tác động trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của TP.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, với 70.000 tỉ đồng còn lại phải giải ngân trong năm, mỗi tháng TP phải giải ngân 10.000 tỉ đồng. Ông phân công Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác này hàng ngày.
Ông cũng đề nghị là các chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân hàng tháng và giám sát.
“TP mỗi tháng phải giải ngân 10.000 tỉ đồng, vậy thì mỗi đơn vị mỗi tháng giải ngân bao nhiêu” – ông Mãi đặt vấn đề và đề nghị đẩy nhanh các dự án chuyển tiếp.
Ông cho biết nhiều dự án chuyển tiếp từ năm 2022 đến nay có khối lượng giải ngân rất thấp, trong đó có dự án đã đấu thầu rồi nhưng vẫn chưa có khối lượng thi công.
Liên quan đến nhà thầu Thuận An, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị phải giám sát chặt chẽ những nhà thầu còn tiếp tục thực hiện và phải có tiến độ hàng ngày.
Ông cũng đặt vấn đề nếu các nhà thầu không tiếp tục được thì những thành viên còn lại của liên doanh có tiếp tục được không? Nếu không phải tính phương án khác.
Theo ông Mãi, ngay khi có sự cố xảy ra, UBND TP đã họp với chủ đầu tư và rà soát lại công tác đấu thầu, kiểm tra lại khả năng thực hiện tiếp, rà soát lại vấn đề tài chính để xử lý.
“Không chỉ riêng nhà thầu Thuận An mà đối với các nhà thầu khác, nếu năng lực yếu, chây ỳ phải xử lý nghiêm” – ông Mãi nhấn mạnh và cho biết vừa qua TP.HCM có gặp các nhà thầu, nói rõ quan điểm TP sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà thầu, ngay cả vấn đề vật liệu nếu có tăng giá thì đàm phán lại, ký phụ lục hợp đồng.
“Tuy nhiên trách nhiệm của anh phải đi tìm, chứ không phải anh đấu thầu trúng rồi mà tới khi thiếu cát thì anh lại đổ thừa, giao lại cho chủ đầu tư hoặc UBND TP là không được” – ông nhấn mạnh.
Chủ tịch TP.HCM cũng khẳng định sẽ cắt dự án không thể tiếp tục được nữa và thay vào bằng những dự án đã được chuẩn bị có đủ điều kiện, nhất là các dự án chỉnh trang đô thị, giải quyết điểm đen về môi trường, làm công viên, cây xanh cần số tiền ít nhưng tạo điều kiện sống tốt ở cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo thực hiện quyết liệt các dự án trọng điểm, để đóng góp vào khối lượng giải ngân đầu tư công. Trong đó, phải đưa Metro 1 vào khai thác trong năm nay và chuẩn bị đầu tư các dự án lớn như cầu đường Nguyễn Khoái, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đầu tư thiết bị cho ba bệnh viện cửa ngõ, bảo tàng Tôn Đức Thắng…
Chỉnh trang nhà ven kênh sau vụ cháy quận 8
Liên quan đến chỉ tiêu 35.000 căn nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị phải đạt ít nhất 26.200 căn theo chỉ tiêu Thủ tướng giao. Đồng thời, tập trung nghiên cứu chính sách triển khai chương trình nhà ở thay nhà ven kênh rạch.
“Vừa rồi mọi người hỏi vụ cháy ở quận 8 sao, tôi nói dạ may nên tôi bị rầy. Nhưng thực tế như vậy là may bởi nếu cháy ở đó có thể cháy mấy chục căn, mấy trăm căn”– ông nói.
Theo ông Mãi, trong mỗi căn nhà ven kênh rạch có 4-5 nồi cơm của ông bà, con cháu, thậm chí còn kê thêm giường cho thuê, kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, ông đề nghị phải nghiên cứu chính sách gắn với chỉnh trang từ Bắc kênh Đôi, bờ Nam kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Hy Vọng…
Ông gợi ý có thể triển khai nhà thuê mua hoặc cho thuê và tính toán đầu tư nhà chỉ cho công nhân lao động, sinh viên thuê