Các nhà khoa học từ ĐH Utrecht, Viện Nghiên cứu Deltares Hà Lan phối hợp cùng ĐH Cần Thơ và Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam đã sử dụng mô hình 3D để tìm hiểu từng địa điểm sụt lún và mức độ sụt tại vùng ĐBSCL.
Theo kết quả nghiên cứu, chỉ trong vòng 25 năm, ĐBSCL từ một khu vực ổn định đã rơi vào tình trạng sụt lún nhanh chóng. Nghiên cứu cho thấy mỗi năm ĐBSCL lún xuống vài centimet, cao hơn nhiều so với tốc độ nước biển dâng. Hiện ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển 1-2 m, nguy cơ xâm nhập mặn, ngập lụt và sạt lở bờ biển đã xảy ra.
Nếu không có biện pháp hành động, nơi sinh sống của 20 triệu dân và cũng là vựa lúa ở ĐBSCL sẽ phải đối mặt với thảm họa thiếu nước ngọt sản xuất và sinh hoạt.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng sụt lún ở đây là tình trạng khai thác nước ngầm. Hậu quả do tình trạng sụt lún gây ra đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân nơi đây.