Năm 2017, thu phí ô tô vào TP.HCM?

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Sở GTVT nhận định kẹt xe trên địa bàn TP.HCM đã trở nên nghiêm trọng. Từ đó Sở GTVT đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó có việc nghiên cứu các phương án cấm ô tô lưu thông theo giờ trên một số tuyến đường, cấm xe vào các ngày chẵn, ngày lẻ… “Ngoài ra, Sở GTVT cũng khởi động lại dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP.HCM để hạn chế ùn tắc giao thông” - một lãnh đạo Sở GTVT thông tin.

Điều chỉnh công nghệ

Theo Sở GTVT, từ năm 2009 TP.HCM đã có kế hoạch về việc thực hiện dự án này. Lúc đó Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) được giao nghiên cứu. Sau nhiều buổi hội thảo, lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và các đơn vị liên quan, tháng 7-2011, Sở GTVT đã có tờ trình kết quả nghiên cứu khả thi dự án cho UBND TP.

Theo đó, dự án đề xuất lập vành đai khép kín cho khu vực trung tâm TP.HCM được bao bọc bởi các đường Hoàng Sa, Nguyễn Phúc Nguyên, Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt và Tôn Đức Thắng. Trên các vành đai này có 35 cổng thu phí và các loại ô tô khi vào khu vực này sẽ bị nhận diện (thông qua thiết bị thu phí gắn trên xe) và bị trừ tiền trong tài khoản ngân hàng.

Khu vực dự kiến lập vành đai thu phí ô tô.

Dự án này sau đó đã không được nhắc đến. Cho đến khi mới đây, Sở GTVT cho biết sẽ khởi động lại. Tuy nhiên, do thời hạn đã lâu nên các dữ liệu, nghiên cứu của dự án nêu trên đã không còn phù hợp. Vì vậy, Sở GTVT đã làm việc với ITD và đề nghị đơn vị này hiệu chỉnh lại báo cáo. Cụ thể, có ba nhóm vấn đề chính sẽ được xem xét là công nghệ thu phí (ảnh hưởng trực tiếp đến tổng mức đầu tư, thời gian thu hồi vốn); về vấn đề pháp lý (mức thu, hình thức chế tài các xe không đóng phí) và phương thức đầu tư dự án.

“Hiện nay công nghệ thu phí đã thay đổi nên các xe ô tô chỉ cần gắn một thẻ E-Tag (giá chỉ khoảng 50.000 đồng/thẻ, trong khi công nghệ cũ thì mỗi ô tô phải gắn thiết bị có giá vài triệu đồng/cái - PV) như việc thu phí tự động ở các trạm thu phí giao thông nên khá thuận lợi. Ngoài ra, với công nghệ mới thì độ chính xác trong việc nhận diện xe rất cao nên việc tính phí, thu phí chính xác hơn” - một cán bộ có liên quan thông tin.

Thu phí gây ra nhiều tác động

Mức thu phí trước đây từng đề xuất là 30.000 đồng/lượt cho ô tô con, taxi và 50.000 đồng/lượt cho xe tải và xe khách (không thu phí xe buýt). Một thời gian thu sau đó sẽ phân chia ra giờ cao điểm, thấp điểm rồi nâng mức thu giờ cao điểm cho hai nhóm xe trên thành lần lượt là 40.000 và 60.000 đồng/lượt. Ngoài ra, việc thu phí có thể thực hiện trong các ngày nghỉ là thứ Bảy và Chủ nhật.

Một số chuyên gia cho rằng việc thu phí sẽ gây phản ứng mạnh trong dư luận, đồng thời phát sinh nhiều vấn đề. Đó có thể là sự rối loạn giao thông trên các tuyến vành đai vì xu hướng không “đánh” ô tô vào trung tâm và khả năng tăng xe máy vào trung tâm. Dự án này còn có thể gây ra các tác động xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí lạm phát… Ngoài ra, việc phát triển giao thông công cộng thay thế cho xe cá nhân khi bị hạn chế còn khá mơ hồ nên sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân.

Trước các băn khoăn này, Sở GTVT cho biết sẽ tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia… và sẽ tính toán kỹ mức phí, phương thức thu phí, phương án tổ chức giao thông trước khi triển khai. Nếu mọi chuyện thuận lợi thì có thể triển khai ngay trong năm 2017. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chủ trương, căn cứ pháp lý cho phép thực hiện dự án từ lãnh đạo TP.HCM.

• Tháng 12-2009, UBND TP chấp thuận cho Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) nghiên cứu dự án thu phí ô tô vào trung tâm.

• Tháng 1-2010, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) chấp thuận để TP.HCM thu phí ô tô vào trung tâm để chống kẹt xe.

• Tháng 1-2011, UBND TP.HCM giao cho Sở GTVT thẩm tra đề cương chi tiết dự án.

• Tháng 4-2011, ITD trình báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.180 tỉ đồng.

• Tháng 7-2011, Sở GTVT có tờ trình và sau đó kiến nghị TP.HCM giao Sở KH&ĐT thẩm tra để trình UBND TP phê duyệt.

• Tháng 3-2012, UBND TP yêu cầu Sở GTVT lấy ý kiến góp ý, phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam về dự án.

• Tháng 5-2012, Sở GTVT đề nghị phản biện song đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Dự án bị hoãn…

Công an TP.HCM từng đề nghị giải quyết cho các ô tô thường trú trong nội đô. Bởi họ ở nhưng nhu cầu đi làm, làm việc bên ngoài vòng thu phí thì phải ra vào nhiều lượt.

ITD đề xuất sẽ không thu phí các xe này cho lượt ra nhưng lượt về thì phải trả. Nó cũng bình thường và công bằng với các xe khác, là chỉ bị thu khi vào trung tâm còn ra thì không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm