“Trong năm 2016, trên địa bàn TP.HCM đã phát sinh thêm 10 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, nâng tổng số điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông lên đến 36”. Chiều 21-10, Sở GTVT TP.HCM cho biết như trên.
Cà nhích ở trung tâm
Theo Sở GTVT, gần đây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm ở TP.HCM thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường hướng tâm, các trục ra vào sân bay, cảng biển và các tuyến đường ở khu vực trung tâm. “Đường sá đã trở nên quá tải, xe cộ ngày càng đông, vận tốc lưu thông ngày càng giảm và việc đi lại trở nên khó khăn” - Sở GTVT nhận định.
Cụ thể, tốc độ lưu thông trung bình tại một số khu vực đã giảm, như khu vực trung tâm vào cao điểm sáng chỉ còn 20,7 km/giờ và cao điểm chiều chỉ còn 19,3 km/giờ. Quanh khu vực cảng hàng không thì tốc độ lưu thông vào cao điểm sáng và chiều lần lượt là 22,3 km/giờ và 20,3 km/giờ…
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT, cho biết Sở GTVT đang lấy ý kiến các nhà khoa học, các đơn vị liên quan về các tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là kẹt xe.
“Lâu nay việc xác định tình trạng giao thông trên đường bộ đang khai thác ở TP.HCM chủ yếu dựa trên tiêu chí “kéo dài trên 30 phút”. Tiêu chí này mang tính chất định tính, chưa phản ánh hết tình trạng giao thông thực tế. Tuy nhiên, theo tiêu chí này, trong năm 2016, toàn TP.HCM đã xảy ra 27 vụ kẹt xe, chủ yếu ở khu vực như sân bay Tân Sơn Nhất (các tuyến đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Kiệm), cảng Cát Lái (các đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, xa lộ Hà Nội), khu vực trung tâm (như các đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh) và các tuyến đường kết nối từ ngoại ô vào nội đô TP.HCM (như các đường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Hùng, quốc lộ 50, Cộng Hòa, Quang Trung…)” - ông Đường thông tin.
Bản đồ một số điểm nóng dễ kẹt xe ở TP.HCM. Đồ họa: H.LOAN
Điều chỉnh chức năng cao ốc ở nơi kẹt xe
Theo ông Đường, từ đầu năm 2016, Sở GTVT đã xác định được 26 điểm có nguy cơ ùn tắc và đã triển khai nhiều giải pháp xử lý. Đến nay giao thông ở nhiều điểm đã được cải thiện đáng kể. “Ở các điểm này, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, xử lý. Tuy vậy, trong năm 2016, trên địa bàn cũng phát sinh thêm 10 điểm mới có nguy cơ ùn tắc giao thông (xem thêm các bảng biểu)” - ông Đường thông tin.
Để giải quyết kẹt xe, Sở GTVT sẽ thực hiện hàng loạt giải pháp cấp bách trong năm 2017 như tổ chức một chiều các cặp đường Trường Chinh - Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ; Phan Văn Trị - Lê Quang Định… “Sở GTVT còn phối hợp rà soát toàn bộ các cao ốc, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… thường xuyên có ùn tắc và yêu cầu chủ đầu tư có phương án điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh chức năng hoạt động. Sở GTVT cũng cải tạo các lối ra vào tại các tụ điểm tập trung đông người và gắn các biển cấm dừng, cấm đậu. Việc xem xét nghiên cứu các phương án cấm xe lưu thông theo giờ trên một số tuyến đường, cấm xe theo ngày chẵn, lẻ cũng được tính đến” - một lãnh đạo Sở GTVT nói thêm.
19 điểm nghẽn đã có phương án gỡ 1. Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1): Nghiên cứu cấm ô tô rẽ trái từ Tôn Đức Thắng ra Nguyễn Hữu Cảnh. Đẩy nhanh tiến độ xây cầu Thủ Thiêm (dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2018). 2. Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (quận 1, 5): Cấm ô tô trên 30 chỗ qua cầu từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ. Đẩy nhanh xây nhánh kết nối cầu Nguyễn Văn Cừ nối đường Võ Văn Kiệt (dự kiến hoàn thành vào quý II-2017). 3. Ngã sáu Công trường Dân Chủ (quận 3, 10): Vạt góc đường Võ Thị Sáu - Công trường Dân Chủ. Nghiên cứu xây cầu vượt bằng thép. 4. Đường Nguyễn Tất Thành (quận 4): Đang hoàn chỉnh phương án mở dải phân cách trên đường. Nghiên cứu mở rộng đường về phía sông Sài Gòn. 5. Vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp): Dời trạm xe buýt, xây đường kết nối từ Đặng Văn Sâm. Xây dựng nút giao khác mức hình N (vốn đầu tư 500 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong tháng 2-2017). 6. Ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp): Nghiên cứu điều chỉnh một chiều đường Phan Văn Trị, Lê Văn Định và Nguyễn Văn Nghi. Hoàn thiện cầu vượt (dự kiến hoàn thành vào quý II-2017). 7. Đường Trường Chinh đoạn từ Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình): Hoặc điều chỉnh đèn ở khu vực, hoặc đặt dải phân cách tim đường Trường Chinh tại điểm giao với đường Tân Sơn Nhì, hoặc tổ chức một chiều Trường Chinh - Cộng Hòa. 8. Ngã tư An Sương (quận 12, huyện Hóc Môn): Điều chỉnh lộ trình xe tải. Xây hầm chui An Sương (vốn 1.500 tỉ đồng). 9. Ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân): Nghiên cứu điều chỉnh giao thông. Xây cầy vượt bằng thép (vốn dự kiến 760 tỉ đồng). 10. Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (quận Bình Thạnh): CSGT điều tiết giao thông. 11. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ Bạch Đằng đến ngã năm Đài Liệt sĩ (quận Bình Thạnh): Xử lý xe đi ngược chiều. Mở rộng góc giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm. 12. Ngã tư Thủ Đức (quận 2, 9): Dự kiến xây hầm chui. 13. Nút giao An Phú (quận 2): Xây dựng nút giao khác mức. 14. Ngã tư Tây Hòa (quận 9): Đang mở rộng các góc giao lộ. 15. Lê Văn Việt - Đình Phong Phú (quận 9): Kiến nghị mở rộng đường vào Khu công nghệ cao. 16. Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (quận 7): Xây dựng nút giao khác mức (tổng vốn dự kiến 2.600 tỉ đồng). 17. Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư (quận 7): Cấm xe rẽ trái, quay đầu… 18. Cầu Ông Thìn trên quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh): Giải tỏa các hộ dân tại cầu. 19. Vĩnh Lộc - Nguyễn Thị Tú - Quách Điêu (huyện Bình Chánh): Giải tỏa họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. ___________________________ 39.263 tỉ đồng là nhu cầu vốn triển khai ngay các dự án nhằm giảm kẹt xe sẽ triển khai trong năm 2017. Trong số này có sáu công trình (1.380 tỉ đồng) ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, 14 công trình (4.995 tỉ đồng) ở khu cảng Cát Lái, 55 công trình (32.200 tỉ đồng) ở trung tâm, cửa ngõ… |