Kẹt xe đã lan vào tận hẻm
Kẹt xe ở TP.HCM đã bùng phát trở lại với mức độ nghiêm trọng hơn. Khái niệm “giờ cao điểm” hay “khu vực trung tâm” đã nhạt dần vì kẹt xe có thể xảy ra trên bất cứ trục đường chính, len vào nhiều con hẻm và diễn ra ở bất cứ khu vực nào. Người dân TP.HCM đang sống trong nỗi ám ảnh về kẹt xe!
Kẹt kinh hoàng từ cửa ngõ đến trung tâm
Gần đây, nhiều tuyến đường ở quận 1, quận 3… liên tục xảy ra ùn ứ dây chuyền, diễn ra cả ngày và thành nỗi ám ảnh của người dân. Không chỉ ngày thường, vào các ngày cuối tuần, dù buổi trưa song nhiều tuyến đường vừa kể trên vẫn xảy ra ùn ứ nghiêm trọng. Đặc biệt, vào một ngày gần cuối tháng vừa qua, các tuyến đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Lê Duẩn, Lê Lai, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Du… xảy ra ùn ứ nghiêm trọng. Về cuối ngày, kẹt xe càng nghiêm trọng hơn, nhất là ở đường Tôn Đức Thắng (quận 1) bị chật kín xe cộ.
Ông Nguyễn Thanh Hùng (quận Bình Thạnh) cho biết rất mệt mỏi vì phải gặp kẹt xe thường xuyên. “Có lần tôi chạy ô tô trên đường Tôn Đức Thắng, từ bến Bạch Đằng đến đường Đinh Tiên Hoàng với quãng đường khoảng 1 km nhưng mất 45 phút” - ông Hùng kể.
Ở trung tâm đã khổ, người dân ở các khu vực đông bắc (quận 9, Thủ Đức…), tây bắc (huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12…) hay phía nam (huyện Nhà Bè, quận 7, quận 4…) càng vật vã hơn. Từ lâu, kẹt xe luôn là nỗi ám ảnh của hàng triệu người dân ở các vùng cửa ngõ vừa nêu. Ở khu vực đông bắc có thể kể đến các nút thắt cầu Ông Dầu (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), khu vực quanh Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh)...
Ở cánh này còn phải kể cả khu vực nóng là sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, trên các tuyến đường quanh sân bay như Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Kiệm mà ngày nào không xảy ra ùn ứ là… chuyện lạ.
Cùng cảnh ngộ, người dân ở các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7 và một phần quận 4, quận 8… hằng ngày thường phải chôn chân trên các tuyến đường, cây cầu nối vào trung tâm.
Hằng ngày, lưu lượng xe buổi sáng di chuyển vào trung tâm từ hướng huyện Nhà Bè, Cần Giờ, quận 7… thường ùn ứ kéo dài hàng kilomet, dòng xe cộ phải nhích từng chút trên đường Nguyễn Hữu Thọ.
Bà Nguyễn Thị Lộc (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) cho biết: “Tôi có cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (quận 1) và hằng ngày phải mất cả giờ cho một chiều đi. Đáng sợ nhất là đoạn đường từ giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Sáng nào xe cộ cũng nêm kín trên đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Kênh Tẻ, đường Khánh Hội”.
Cạnh đó, kẹt xe trên cầu Nguyễn Tri Phương còn diễn ra căng thẳng hơn. Mỗi chiều, hướng từ quận 5 về quận 8 lúc nào cũng đông đúc, vừa mới lên cầu, xe cộ đã phải nhích từng chút, chưa xuống hết dốc cầu hầu như phải đứng khựng lại vì kẹt xe và vướng đèn đỏ dưới chân cầu Chánh Hưng. Tình trạng này kéo dài đến hơn 19 giờ mỗi ngày. Ông Nguyễn Văn Nhượng (ngụ quận 6) cho biết ông thường đi về đoạn đường này. “Kẹt xe ở khu vực này là điều bức xúc của tôi mỗi ngày. Từ dốc cầu Chánh Hưng sang hết dốc cầu Nguyễn Tri Phương có khi đến gần cả tiếng” - ông Nhượng nói.
Vừa thoát khỏi kẹt xe trên cầu Chữ Y (quận 8), người dân lại bị dính ở ngã ba Nguyễn Biểu - Cao Đạt. Ảnh: LÊ THOA
Các giải pháp vẫn cứ vô hiệu
Theo Sở GTVT, từ đầu năm 2016 đến nay, ở TP.HCM xảy ra 27 vụ ùn tắc giao thông, xảy ra ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (trên các đường Trường Sơn, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Kiệm), cảng Cát Lái (trên các đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, xa lộ Hà Nội), khu vực trung tâm (trên các đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Cừ…) và các tuyến đường kết nối từ ngoại ô vào nội đô như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Hùng, quốc lộ 50, Cộng Hòa, Quang Trung, Nguyễn Kiệm…
“Các công trình hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, trong khi phương tiện giao thông tăng nhanh và các trung tâm thương mại, cao ốc… phát triển mạnh gây áp lực lớn, làm ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng” - ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, nói.
Đánh giá về các giải pháp, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng theo quy luật, đi kèm phát triển kinh tế là vấn nạn kẹt xe. Tuy nhiên, TP.HCM hầu như chỉ tập trung vào các giải pháp ngắn hạn để giải quyết kẹt xe. “TP.HCM tổ chức giao thông, biến nhiều đường hai chiều thành một chiều; cấm xe ô tô trên một số đoạn, tuyến đường; xây nhiều cầu vượt, mở rộng tiểu đảo… Các giải pháp này không mang lại hiệu quả lâu dài. Đơn cử, các cầu vượt bằng thép trên đường Cộng Hòa, tại nút giao Thủ Đức ban đầu được đánh giá hiệu quả nhưng không bao lâu sau, các điểm này kẹt vẫn hoàn kẹt” - TS Phạm Sanh phân tích.
Tương tự, từ hơn 10 năm trở lại đây, TP.HCM đồng loạt biến nhiều đường hai chiều thành một chiều như Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, quận 1), Nguyễn Kiệm (quận Bình Thạnh), Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh (quận Tân Bình)… Giải pháp này đã mang lại một số hiệu quả nhất định nhưng không lâu sau tình trạng xe cộ xếp hàng dài trên các đường này xuất hiện trở lại, thậm chí kẹt xe đã “đẩy qua” một số điểm lân cận.
“Sở GTVT dự kiến tiếp tục biến một số tuyến đường lớn như Trường Chinh, Cộng Hòa… từ hai chiều thành một chiều. Biện pháp này có thể giải quyết tình trạng kẹt xe trên chính con đường đó nhưng về tổng thể thì số xe lưu thông trên đường đó không thay đổi. Vì vậy, đôi khi chúng ta giải quyết được kẹt xe ở nơi này nhưng tạo ra điểm nghẽn ở nơi khác. Không những thế, đường một chiều sẽ làm tăng thêm thói quen đi ngược chiều” - TS Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, bổ sung.
Cần quyết liệt và phải chịu trách nhiệm
TS Nguyên cũng dẫn chứng đường một chiều chỉ giải quyết được giao thông cục bộ ở chính con đường đó chứ không phải là biện pháp để giải quyết ách tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM. “Chặn một chiều các đường đó thì số xe của chiều còn lại sẽ về đâu, những con đường hai bên sẽ quá tải như thế nào. Vì vậy, chính quyền TP.HCM cần nghiên cứu hàng loạt vấn đề cụ thể như lưu lượng xe, giờ kẹt, nơi kẹt… để lựa chọn giải pháp phù hợp và đồng thời phải chịu trách nhiệm với người dân về lựa chọn này” - TS Nguyên nhấn mạnh.
“Một tồn tại cơ bản là không có khảo sát, điều tra nhu cầu đi lại, vận chuyển trên mạng lưới giao thông theo thời gian thực hằng năm. Vì vậy, các dự báo sẽ trật, số liệu đầu vào đưa vào các mô phỏng không chính xác, quy hoạch không hợp lý, phải làm tới làm lui. Ngoài ra, giải pháp giảm ùn tắc giao thông TP.HCM còn đến từ những điều bình dị trong quản lý, như kiên quyết giải tỏa lòng lề đường, kiên quyết không cho đào lấp tái lập mặt đường ngẫu hứng, chấn chỉnh công tác biển báo tín hiệu đèn giao thông, văn hóa giao thông hẻm…” - TS Phạm Sanh bổ sung.
“Trên hết là phải quyết liệt trách nhiệm một cách thực sự. Ví dụ, trước khi phân luồng một chiều đường Trường Chinh, Cộng Hòa phải nghiên cứu thật kỹ và nếu có đủ căn cứ xác định hiệu quả thì làm. Khi làm mà chưa hợp lý thì điều chỉnh và thất bại phải dám nhận trách nhiệm với dân. Nếu không, chỉ cứ đặt vấn đề mà không thực hiện dễ khiến người dân mất niềm tin và khó thực hiện các giải pháp về sau” - TS Sanh lưu ý.