Đậu xe trung tâm TP.HCM phải móc thêm hầu bao

Lượng ô tô trên địa bàn TP.HCM ngày càng gia tăng. Tính đến nay TP.HCM đã có khoảng 615.400 ô tô các loại. Điều này có nghĩa nhu cầu về chỗ đậu xe trên địa bàn TP.HCM càng thêm căng thẳng.

Bát nháo ô tô đậu, đỗ

Hiện ở khu vực trung tâm TP.HCM (quận 1, quận 3) chỉ có một bãi đậu xe cao tầng (121 Cô Giang, quận 1) chứa được 500 ô tô và hơn 3.900 xe máy. “Bốn dự án bãi đậu xe ngầm ở trung tâm (đáp ứng được hơn 6.290 ô tô và gần 3.920 xe máy - PV) đang được đang triển khai nhưng nhanh lắm đến năm 2019 mới có thể đưa vào khai thác” - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường thông tin.

Trong khi đó, Sở GTVT cấm đỗ xe trên 77 tuyến; cấm dừng, đỗ xe theo giờ ở gần 70 tuyến đường khác ở trung tâm. Vì thế, việc đậu ô tô ở khu vực này là vấn đề nan giải cho nhiều người. Để giải quyết một phần nhu cầu của người dân, TP.HCM cho đậu ô tô dưới lòng đường có thu phí tại hơn 25 tuyến đường.

Theo ghi nhận của PV, nhiều tuyến đường khá hẹp, chỉ có hai làn thông như Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Lý Tự Trọng, Trần Cao Vân, Trương Định, Cao Bá Quát… lại được kẻ vạch sơn cho phép ô tô đỗ để thu phí. Theo quan sát của PV, ở những nơi này, ô tô nối đuôi nhau xếp hàng dài. Phần đường còn lại quá nhỏ nên dòng xe trên đường phải chật vật chen lấn. Chưa kể các tuyến đường Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp… chỉ cho ô tô đỗ theo ngày chẵn, ngày lẻ hoặc các đường Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Du, Huyền Trân Công Chúa… cho ô tô đỗ theo giờ (từ 9 đến 16 giờ và từ 19 đến 6 giờ) nhưng hầu như lúc nào cũng có hai hàng xe ở hai bên, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Nhu cầu về chỗ đậu xe trên địa bàn TP.HCM rất lớn. Ảnh chụp trên đường Nguyễn Huệ-Lê Thánh Tôn, quận 1.  Ảnh: HTD

Giá giữ xe thấp, ô tô tràn ra đường

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong phạm vi bán kính 500 m quanh trụ sở UBND TP có 59 công trình cao tầng có từ một đến năm tầng hầm đỗ xe như tòa nhà Kumho Asianna Plaza, khu phức hợp Eden, cao ốc Sài Gòn Center... Ngoài ra, còn có 46 công trình cao tầng có tầng hầm đỗ xe với sức chứa nhỏ hơn trên các đường Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ... Dự tính ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cho các tòa nhà thì dành khoảng 20% diện tích (với khoảng 1.323 ô tô và 2.750 xe máy) để đáp ứng nhu cầu công cộng.

Thế nhưng giá giữ ô tô trong các bãi xe tại quận 1 khá cao, trong đó nhiều nơi lại tính giá giữ xe theo giờ. Chẳng hạn cao ốc Kumho Asianna Plaza (Lê Duẩn, quận 1) lấy giá 10.000 đồng/ô tô con trong ba giờ đầu tiên, sau ba giờ giá sẽ là 100.000 đồng/chiếc. Nếu gửi qua đêm là 200.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, bãi ở SaiGon Center (góc Lê Lợi - Pasteur, quận 1) lấy giá 20.000 đồng/xe trong ba giờ đầu tiên. Mỗi giờ tiếp theo (trong sáu giờ đầu) là 20.000 đồng và mỗi giờ tiếp theo (sau sáu giờ đầu) là 40.000 đồng. Nếu gửi xe qua đêm giá 200.000 đồng/chiếc.

Trong khi đó, một ô tô chỉ cần trả 5.000 đồng là thoải mái đậu xe ở lòng đường Lê Lợi cả ngày. Ông Nguyễn Hoàng Đệ (quận 7) đang gửi xe ở lòng đường Lê Lợi nói: “Tôi chạy xe du lịch bảy chỗ nên chọn đậu xe trên đường này để tiện chở khách. Ở đây cần 5.000 đồng là có thể đậu xe suốt ngày thì dại gì chui vào các bãi giữ xe trong các cao ốc, trung tâm thương mại”.

Sẽ tăng bãi đậu xe tư nhân?

Theo ông Bùi Xuân Cường, mức phí thu đậu xe dưới lòng đường thấp và tính theo lượt với mức 5.000 đồng, lại không giới hạn thời gian đậu xe. Trong khi các bãi đậu xe trong nhà ở khu vực lấy giá cao và công tác kiểm tra, xử phạt chưa kiên quyết nên vẫn xảy ra tình trạng đậu xe tràn lan dưới lòng đường, gây ra ùn tắc giao thông.

Ông Lâm Thiếu Quân, chuyên gia giao thông, đánh giá mức thu phí đỗ ô tô như trên là quá bất hợp lý, chẳng khác nào khuyến khích ô tô tràn ra lòng đường. “Trong các cao ốc, một chiếc xe tay ga đã trả 10.000 đồng. Thế nhưng ô tô con đậu ở lòng đường chỉ trả 5.000 đồng nên nhiều người chiếm dụng cả ngày, làm người có nhu cầu không tìm được chỗ đậu xe nên phải chạy đi lòng vòng khiến tăng lượng xe lưu thông trên đường. Mức thu thấp còn làm thất thu lớn cho ngân sách do sử dụng tài nguyên không hiệu quả. Ngoài ra, mức thu ngoài đường thấp thì chủ các cao ốc có xu hướng đầu tư bãi đậu xe với diện tích tối thiểu, đủ đáp ứng cho khách hàng của mình và “đẩy” khách vãng lai ra đường. Cạnh đó, các nhà đầu tư bãi đậu xe ngầm cũng không thiết tha thực hiện các dự án” - ông Quân phân tích.

Vì vậy, ông Quân đề nghị giảm các điểm đỗ xe dưới lòng đường và tăng giá đỗ xe ô tô lên nhiều lần, đồng thời thu theo giờ, nhất là khu vực trung tâm. Ông Quân nhấn mạnh: “Tăng phí không phải nhằm thu thêm tiền mà để điều tiết giao thông, khuyến khích tư nhân đầu tư tăng diện tích các bãi đậu xe công cộng”.

Ông Bùi Xuân Cường đồng tình và cho biết Sở GTVT đang phối hợp với các đơn vị liên quan trình UBND TP ban hành giá giữ xe trên địa bàn theo thời gian và theo khu vực. Theo đó, Sở GTVT phối hợp triển khai lắp đặt hệ thống thu phí đậu xe theo thời gian, thông qua ứng dụng công nghệ.

Cùm xe vi phạm

Ở các nước, mức thu đỗ xe ở ngoài đường bao giờ cũng cao hơn trong các bãi đậu xe vì ở ngoài đường chỉ là đỗ tạm. Mức thu thì tính dựa trên giá đất nên sẽ giảm dần từ trung tâm ra ngoại thành.

Các nước thu theo thời gian bằng ba cách. Cụ thể thông qua việc bán vé tự động (máy như các trụ ATM, trả bằng tiền xu). Cách hai thông qua các thiết bị đặt ở đường. Cách thứ ba cũng là xu hướng hiện nay là thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Để đảm bảo tính “tự giác” của người dân thì phải có quy định chế tài, nghĩa là người đậu xe nhưng không nộp tiền thì bị chụp ảnh, phạt nguội. Có nước áp dụng biện pháp cùm xe vi phạm hoặc cẩu xe vi phạm về bãi tạm giữ.

Ông LÂM THIẾU QUÂN, chuyên gia giao thông

________________________________

Sở GTVT TP.HCM sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và các nhà đầu tư để xây dựng ngay các vị trí đỗ xe thông minh quy mô nhỏ (từ 10 đến 20 chỗ/vị trí) trên các tuyến đường tại khu vực trung tâm để hạn chế tình trạng dừng, đỗ dưới lòng đường. Trước mắt đề xuất thực hiện trên các phần đất công.

Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm