Theo thống kê của Công an TP.HCM, lượng ôtô tại TP đang càng ngày càng gia tăng, hiện mỗi ngày có trên 100 ôtô đăng ký mới. Điều này có nghĩa nhu cầu về chỗ đậu xe trên địa bàn TP càng thêm căng thẳng.
Bát nháo đậu ôtô dưới lòng đường
Hiện nay, UBND TP cho phép đậu ôtô dưới lòng đường có thu phí tại hơn 70 tuyến đường của 11 quận, huyện. Biết rằng biện pháp "chữa cháy" này gây không ít phiền toái cho giao thông nhưng UBND TP vẫn phải sử dụng nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu đậu xe, đồng thời tạo thêm nguồn thu ít ỏi để nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là nhiều tuyến đường khá hẹp, chỉ đủ cho hai làn xe lưu thông (Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Lý Tự Trọng, Trần Cao Vân, Trương Định, Cao Bá Quát...) lại được kẻ vạch sơn cho phép ôtô chiếm dụng hết một phần đường. Do phần đường còn lại quá nhỏ nên dòng xe trên đường phải chật vật chen lấn, tạo nên cảnh tượng giao thông bát nháo. Chưa kể, một số tuyến đường chỉ cho phép đậu ôtô theo ngày chẵn, ngày lẻ nhưng hầu như lúc nào cũng có hai hàng xe ở hai bên.
Theo Sở GTVT TP, hiện tại một số tuyến đường (như Bùi Thị Xuân) thường xuyên xảy ra tình trạng đậu ôtô không theo quy định, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Sở GTVT đã có văn bản đề nghị Thanh tra xây dựng quận 1 kiểm tra, chấn chỉnh việc này. Nếu tuyến đường nào tiếp tục tái diễn tình trạng kẹt xe, Sở GTVT sẽ báo cáo UBND TP xem xét, loại ra khỏi danh mục các tuyến đường cho phép đậu ôtô có thu phí.
Vừa qua, Sở GTVT cũng đã yêu cầu gắn gần 150 biển báo cấm dừng, đậu trong giờ cao điểm tại nhiều đoạn đường ở những nơi tập trung đông người thuộc 15 quận, huyện nhằm góp phần kéo giảm kẹt xe.
Do mức phí giữ xe quá thấp nên nhiều ôtô đã “trấn giữ” lòng đường suốt cả ngày. Ảnh: MP
Cần tính lại giá giữ ôtô
Theo ghi nhận, hiện giá giữ ôtô trong các bãi xe tại khu vực quận 1 rất cao. Cá biệt, tòa nhà cao tầng ngay góc đường Lê Lợi-Pasteur (quận 1) chỉ nhận giữ xe theo giờ. Cụ thể, giá giữ ôtô thấp nhất là 15.000 đồng (3 tiếng) và nâng lên 45.000 đồng (từ 3 đến 6 tiếng), rồi 60.000 đồng (trên 6 tiếng). Nếu gửi cả ngày lẫn đêm, chủ xe phải mất 120.000 đồng. "Chỉ cần 5.000 đồng là tôi có thể đậu xe dưới lòng đường suốt ngày, dại gì chui vào những nơi có giá trên trời như vậy" - một tài xế đang đậu xe ở đường Lê Lợi nói.
Theo Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải (thuộc Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội), mức thu phí hiện nay quá bất hợp lý, chẳng khác nào khuyến khích ôtô tràn ra lòng đường. "Mức giá giữ xe thấp vô tình đi ngược chủ trương hạn chế ôtô cá nhân vào khu vực trung tâm. Ở nhiều nước, họ thu phí đậu xe theo giờ nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng các vị trí đậu xe. Mức phí ở khu vực trung tâm, nơi đông người sẽ càng cao nhằm góp phần làm giảm lượng xe vào trung tâm" - ông Hùng nói.
Cạnh đó, ông Hùng cũng đề nghị cần tính toán chi phí diện tích đất công cộng trong đô thị (trên cơ sở giá đất, tổng mức đầu tư tuyến đường, chi phí duy tu, thời gian sử dụng…) làm căn cứ để đưa ra giá giữ xe cho từng khu vực. Mức giá này có thể được tính theo từng giờ với xu hướng tăng dần từ ngoại thành vào trung tâm. Ở những nơi cần hạn chế ôtô thì mức giá được đẩy cao lên, còn những nơi kết nối hệ thống giao thông công cộng thì quy định giá trần nhằm tạo thuận tiện cho người dân gửi xe, sử dụng phương tiện công cộng.
Theo ông Hùng, cách tính trên cũng sẽ tác động mạnh đến hoạt động taxi hiện tập trung quá đông ở khu vực trung tâm, làm căng thẳng cho giao thông. Như vậy, biện pháp này vừa đơn giản, thu lợi nhiều hơn cho ngân sách, vừa thực hiện đúng chủ trương hạn chế xe cá nhân vào khu vực trung tâm.
MINH PHONG