Thải dầu cặn xuống sông

Thải dầu cặn xuống sông ảnh 1

Giám đốc Nguyễn Văn Lượng (bìa trái) đứng nhìn công nhân thu hồi bùn thải đổ ra khu đất trống - Ảnh: NGUYỄN TRIỀU

Gần một tháng qua, phóng viên nhiều lần có mặt tại xưởng sửa chữa tàu biển của Saigon Shipmarin. Đây là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin).

Nước rửa tàu trôi sông

Dầu thải, xỉ đồng... là chất thải nguy hại

Theo danh mục do Bộ Tài nguyên - môi trường ban hành, những chất thải từ các thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã hết hạn sử dụng và chất thải từ hoạt động phá dỡ, bảo dưỡng thiết bị, phương tiện được liệt vào nhóm chất thải nguy hại.

Có thể điểm danh một số loại chất thải thường gặp như: dầu thải, các vật liệu mài mòn bề mặt phương tiện (xỉ đồng, cát) đã qua sử dụng, vụn sơn, gỉ sắt được bóc tách từ bề mặt phương tiện có chứa hoặc lẫn thành phần nguy hại, nước thải lẫn dầu, bùn thải lẫn dầu... Và theo quy định, các loại chất thải này phải được thu gom để xử lý theo quy trình bắt buộc.

Trưa 5-1, chúng tôi có mặt tại đốc (hay còn gọi là ụ nổi) số 1 của xưởng sửa chữa tàu biển Saigon Shipmarin - nơi chiếc tàu hút bùn mang tên MV Syongho P-2 của Hàn Quốc đang nằm lừng lững. Lúc này phần lớn công nhân làm vệ sinh và gõ gỉ của nhà máy đã nghỉ hết, chỉ còn những công nhân bắn cát làm bong gỉ tàu đang làm việc.

Dưới cái nắng chói chang giữa trưa, những công nhân bắn cát được trang bị bảo hộ kín mít cầm vòi xoáy những dòng cát với áp lực cao vào thành tàu khiến bụi cát, bụi gỉ tàu bay mịt mù.

Chúng tôi sử dụng khẩu trang than hoạt tính và bước vào trong để quay phim, nhưng chưa đầy một phút đã thấy không thể thở được phải nhanh chóng bước ra. Từ cầu dẫn nhìn vào trong chỉ thấy những làn khói bàng bạc, mờ mờ bay lên từ phía chiếc tàu hút bùn. Bên cạnh đó, đốc số 2 chứa con tàu chở dầu Prime Spirit với tải trọng khoảng 2 vạn tấn cũng đang được các công nhân rửa bề mặt vỏ tàu bằng vòi nước áp lực cao.

Một ngày sau, trưa 6-1, chúng tôi trở lại hai đốc tàu này và ghi nhận việc dùng vòi bắn cát áp lực cao để đánh sạch những con hà bám trên thành tàu và các lớp sơn vỏ tàu. Gần mười công nhân bắn cát lúc này đang làm việc, bụi mù mịt bao kín con tàu, dưới đáy tàu vừa tối vừa bị bụi cát, bụi sơn bắn càng tối như hũ nút, công nhân phải dùng đèn cao áp di chuyển bên cạnh để nhìn rõ điểm bắn của mình. Cũng chỉ ghi hình được vài phút, chúng tôi lại chui ra ngoài hít thở không khí.

Chúng tôi lên xuồng đi vòng quanh khu vực đốc tàu này, khi những công nhân bắn cát nghỉ tay, chúng tôi còn thấy những vũng nước màu đỏ au như màu sơn tàu, là dấu vết của việc bắn nước áp lực cao từ ngày hôm trước làm tróc sơn, phần lớn đã chảy xuống sông Nhà Bè, số còn lại đọng trên nền đốc. Đầu giờ chiều, các công nhân làm vệ sinh hầm hàng của tàu và công nhân vệ sinh các hạng mục khác bắt đầu làm việc thì những công nhân bắn cát cũng tới giờ nghỉ.

“Mưa” dầu nhớt thải

Từ trong hầm hàng của con tàu chở dầu Prime Spirit, những công nhân mặc quần áo bảo hộ lao động màu xanh cùng những công nhân mặc quần đùi, áo xanh dính đầy bùn đất, dầu nhớt nhem nhuốc chuyển những thùng bùn thải, dầu cặn, gỉ tàu, giẻ lau dính dầu mỡ, bùn vào những chiếc xề để trên bề mặt tàu. Những bao dứa chứa dầu cặn, bùn thải bùng nhùng xếp trong những chiếc xề để cần cẩu cẩu xuống chân trụ đốc chờ chở ra ngoài.

Sáng 9-1, chúng tôi tiếp tục trở lại nơi con tàu này đang được sửa chữa trên đốc, lúc này số công nhân bắn cát ít hơn vì nhiều công nhân vệ sinh các hạng mục khác còn đang làm việc. Lúc 9g15, chúng tôi đang đứng dưới nền đốc để ghi nhận việc các công nhân xả thải thẳng dầu cặn, nước dơ trong quá trình vệ sinh các hầm hàng, hầm chứa neo tàu xuống sông Sài Gòn thì dính một trận “mưa” dầu nhớt thải đổ xuống.

Thì ra những công nhân làm vệ sinh trên tàu ngoài việc rửa các bồn chứa bằng nước bơm xuống sông, số dầu, nước chảy ra từ các bao tải chứa trong các xề cũng được họ đổ thẳng qua lỗ dây neo tàu xuống - và trận “mưa” trút lên đầu chúng tôi chính là loại chất thải này.

Sau khi xả xong số nước thải chứa dầu mỡ, bùn đất bên mạn trái con tàu, các công nhân tiếp tục rút ống dẫn chuyển sang mạn phải và chúng tôi quay phim được cảnh các công nhân cho dòng nước đen ngòm, chứa dầu mỡ, bùn thải, bùn chứa trong hầm neo tàu xuống nền đốc. Từ đây dòng tạp chất này nhuốm đen mặt nước sông Nhà Bè trước khi bị gió thổi trôi ngược vào phía đốc tàu. Sau khi dòng chất thải ngưng chảy, những vết dầu loang còn đọng lại bám trên bề mặt đốc tàu, sờ tay vào những vũng này thấy nhầy nhầy như các loại nhớt thải nhưng chứa cả các loại cặn lăn tăn, đất bùn.

Ghi tất cả trừ xe vi phạm

Xe ben 57H-6080 do tài xế Dương Hoàng Sơn cầm lái bị lực lượng của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C36B) bắt quả tang đổ trái phép bùn thải lẫn dầu nhớt, gỉ sét ra khu đất trống trưa 11-1. Ngay sau khi bắt tận tay hành vi trái pháp luật, C36B đưa cả phương tiện và người vi phạm, trong đó có ông Nguyễn Văn Lượng - giám đốc Công ty TNHH dịch vụ hàng hải Đại Dương - về trụ sở Saigon Shipmarin để truy nguyên nguồn gốc đống bùn thải đen ngòm dầu nhớt.

Ngay tại cổng, lực lượng bảo vệ cho biết tất cả ôtô ra vào công ty đều được ghi chép cẩn thận vào sổ nhật ký. Thế nhưng, khi hỏi nhật ký liên quan đến xe ben 57H-6080 thì bảo vệ cho biết không có. “Công ty họ hợp đồng với ở đây, xe này quen nên họ vào họ ra tới đâu thì bảo vệ từng khu vực thông báo qua bộ đàm tới đó. Chúng tôi chỉ nhìn sơ qua thùng xe xem có chở đồ ăn cắp hay không thôi” - một nhân viên bảo vệ nói.

Lẫn trong mớ bùn thải do chiếc xe ben này đổ ra đất, có đến hàng chục thanh sắt tăng-đưa dài cả mét. Khi cảnh sát môi trường yêu cầu thu hồi toàn bộ đưa về nơi xuất phát thì cán bộ kỹ thuật của Saigon Shipmarin xác nhận đây là tài sản của công ty.

“Không biết, chưa biết”

Theo ghi nhận của chúng tôi trong những ngày có mặt tại Saigon Shipmarin, chiếc xe ben do Công ty TNHH dịch vụ hàng hải Đại Dương điều động chở vật tư đến rồi chở bùn thải, rác thải ra khỏi Saigon Shipmarin đều đặn, gần như hằng ngày. Thế nhưng, ông Phạm Hữu Thắng - đội trưởng đội bảo vệ của Saigon Shipmarin - xác nhận không hề có sổ sách nào ghi nhật ký vào ra của chiếc xe trên.

Khi lập biên bản quả tang, ông Quản Trọng Văn - giám đốc sửa chữa của Saigon Shipmarin và ông Nguyễn Văn Lượng không ghi “như thường lệ” mà chỉ ghi chính xác thời điểm giao nhận chất thải là “lúc 8g ngày 11-1”. Ông Văn còn đòi phải đưa vào biên bản một câu: “Lãnh đạo Xí nghiệp sửa chữa tàu biển Shipmarin chưa biết ai là người trực tiếp giao toàn bộ số lượng bùn thải nêu trên cho ôtô 57H-6080”. Khi được hỏi, bùn thải nguy hại lâu nay đi đâu, giao cho công ty nào xử lý, ông Văn thừa nhận là không biết.

Theo P.MINH ĐỨC - NGUYỄN TRIỀU (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm