Thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng như... ma trận

Bà Linh dẫn chứng: Hiện nay, muốn triển khai các dự án đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà đầu tư phải thực hiện tám loại quy trình thủ tục mẹ và một số loại quy trình thủ tục con mới có được giấy phép cần thiết.

Theo khảo sát do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cùng IFC thực hiện, có những thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng phải qua rất nhiều cơ quan nhà nước. Trung bình nhà đầu tư phải tiếp xúc 2-6 đầu mối ở mỗi cơ quan cho một thủ tục, tổng cộng phải tiếp xúc ít nhất 25 đầu mối mới hoàn thành toàn bộ quy trình.

Việc yêu cầu thông tin, hồ sơ giống nhau giữa các cơ quan khác nhau cũng là một trở ngại đáng kể. “Để có được giấy phép xây dựng, nhà đầu tư phải qua chín quy trình thủ tục với 62 loại hồ sơ. Trong đó, có tới 26% hồ sơ bị trùng lắp và 11% hồ sơ là kết quả thủ tục đã hoàn thành. Rõ ràng chúng ta có thể bỏ 1/3 hồ sơ nếu có sự chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan” - bà Linh nhấn mạnh.

“Pháp luật hiện hành chưa có sự đồng bộ, chưa đảm bảo được tính minh bạch, vì vậy buộc các địa phương phải tự tìm cách giải quyết vấn đề. Một số địa phương có những cách đi vẫn nằm trong khuôn khổ pháp luật và giúp nhà đầu tư giải quyết các thủ tục với chi phí và thời gian thấp nhất. Điển hình như mô hình một cửa có thể phổ biến rộng rãi nhưng phải phát triển thành một cửa liên thông với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để giải quyết thông suốt hồ sơ, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp” - ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, nói.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho hay Thủ tướng vừa chỉ đạo Bộ Nội vụ tổ chức tổng kết mô hình một cửa, nghiên cứu sửa Nghị định 93/2001 về việc phân cấp, thống nhất quy trình chuẩn một cửa, phát triển thành một cửa liên thông.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm