Thủ tục hành chính về đất đai: Nhiêu khê, rối rắm

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thẳng thắn nhìn nhận tại buổi đối thoại giữa VCCI và Bộ TN&MT với doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ngày 25-6.

Vào rừng thủ tục

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Dầu khí Toàn cầu, dẫn chứng: Khi muốn làm dự án, đầu tiên chúng tôi phải xin ý kiến của UBND TP có cho đầu tư hay không. Tuy nhiên, thường UBND TP không trả lời ngay mà phải hỏi các sở, ban ngành, sau đó TP mới có ý kiến chung.

Tới thủ tục thứ hai - chấp thuận đầu tư, để có được điều này Sở Kế hoạch và Đầu tư phải hỏi các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở TN&MT, Sở Xây dựng… và quận sở tại, tổng cộng có sáu cơ quan. Sau khi có đủ các ý kiến, Sở Kế hoạch và Đầu tư mới tổng hợp và trình UBND TP để TP ra quyết định chấp thuận đầu tư.

Thế nhưng chỉ 40 ngày sau khi có quyết định trên, lại có một thủ tục nữa là cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư lại phải hỏi lại sáu cơ quan trên. Nếu “xuôi chèo mát mái”, chúng tôi lại tiếp tục xin giấy phép quy hoạch và cũng cần hỏi ý kiến sáu cơ quan trên. Bước tiếp theo là làm thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thủ tục ấy cũng lại phải qua sáu cơ quan trên. Việc ra quyết định giao đất cũng phải liên quan đến sáu cơ quan này.

“Những thủ tục hành chính đó cứ lặp đi lặp lại khiến doanh nghiệp rất mất thời gian. Thủ tục đầu tư của ta là vô cùng khó” - ông Hiệp ngán ngẩm.

Mỗi địa phương một cách

Theo báo cáo của VCCI, tài nguyên và môi trường là hai lĩnh vực các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất khi thực hiện thủ tục hành chính. Trên 50% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ gặp rắc rối trong các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Đáng lo ngại là tỉ lệ này đang ngày càng tăng.

“Việc xin chủ trương đầu tư cũng làm khó cho doanh nghiệp, bởi chưa có quy định cụ thể về thủ tục hành chính cho việc này. Mỗi địa phương làm theo một cách nhưng đa phần nặng về xin - cho. Mặt khác, việc này tạo ra kẽ hở lớn khi doanh nghiệp cứ xin chủ trương đầu tư, sau đó xí phần một khu đất rồi để đó nhưng chả phải đóng thuế, vì đất này chưa giao hẳn cho doanh nghiệp” - ông Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư Quang và Cộng sự, nói.

Muốn cho thuê đất phải lập công ty

Về việc xác định giá đất và giá thuê đất, ông Hiệp cũng cho rằng còn rất bất hợp lý. Ông dẫn chứng: Khách sạn Kim Liên (Hà Nội) rộng trên 3 ha, năm 2008 tiền thuê đất trên 2 tỉ đồng, năm 2011 tăng lên trên 9 tỉ đồng, năm 2012 cơ quan thuế thông báo trên 32 tỉ đồng nhưng đến năm 2013 lại xuống còn trên 15 tỉ đồng... “Cách tính tiền thuê đất như vậy là không có cơ sở. Công ty Khách sạn Kim Liên làm ăn có hiệu quả nhưng với cách tính tiền thuê đất như vậy thì rất khó cho đơn vị” - ông Hiệp nói.

Ông Hưng nêu thêm thực tế: Một số địa phương, trong đó có TP.HCM căn cứ vào quy định của Luật Kinh doanh bất động sản để yêu cầu cá nhân, hộ gia đình muốn cho thuê đất của mình thì phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản  (phải có số vốn lên đến 6 tỉ đồng). Trong khi theo Luật Đất đai, cá nhân, hộ gia đình có quyền bán, cho thuê… đối với đất của mình.

Trước những vướng mắc các doanh nghiệp nêu ra, ông Tuấn cho rằng cần sớm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. “Cải cách thủ tục hành chính và minh bạch phải là hai ông bạn song hành. Đó là bước đột phá cho sự phát triển đất nước” - ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ví von.

Nhà đầu tư nước ngoài thấy tiềm năng đầu tư sinh lợi ở Việt Nam thì thích lắm. Nhưng với một rừng thủ tục hành chính như thế, không biết phải gỡ rối ở chỗ nào thì làm sao họ dám vào đầu tư. Chúng tôi dù đã quen làm dự án nhưng vẫn thấy vô cùng phức tạp.

Ông NGUYỄN QUỐC HIỆP, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Dầu khí Toàn cầu

 

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm