“Văn hóa hàng hiệu” của sao Việt

Theo quyển Tình yêu hàng hiệu - Mối tình của người châu Á với hàng hiệu (The cult of the luxury brand) của hai tác giả là chuyên gia tiếp thị và kinh doanh bán lẻ ở châu Á Radha Chadha và Paul Husband (NXB Trẻ) thì lượng hàng hiệu tiêu thụ ở châu Á đang chiếm 50% so với toàn thế giới. Đặc biệt, hàng hiệu không chỉ tập trung vào các TP lớn, có lớp thị dân sính hàng hiệu như Thượng Hải, Tokyo, Seoul... mà đang chinh phục cả những đô thị mới nổi của các nước Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... và cả Việt Nam.

“Bệnh” khoe hàng hiệu

Tại thảm đỏ của Oscar, Cannes... rất hiếm thấy cảnh các ngôi sao quốc tế khoe hàng hiệu với biểu tượng LV, Gucci, D&G. Thế nhưng tất cả trang phục của họ đều do những nhà thiết kế danh tiếng của các hãng trên thiết kế. Tại Việt Nam, không chỉ giới doanh nhân mà giới nghệ sĩ cũng bị hàng hiệu chinh phục. Từ nghệ sĩ mới vào nghề, mới nổi... trên mạng cho đến những nghệ sĩ đã thành danh đều khó cưỡng được sức hút của hàng hiệu.

Dĩ nhiên không ai có quyền phê phán một nghệ sĩ chỉ vì họ thích dùng hàng hiệu và thu nhập của họ đủ để họ sắm những món đồ hiệu. Tuy nhiên, như lời khuyên của nhà thiết kế thời trang Coco Chanel thì “Thời trang phải thật tiện lợi, thoải mái, cũng có thể chúng không phải là những món đồ đắt giá”. Vậy nhưng nhiều sao Việt sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn USD mua túi xách, quần áo, điện thoại... và hồn nhiên “chia sẻ” những thông tin đó trên báo chí. Đó không chỉ là cách thể hiện mình có tiền mà còn là cách sao Việt đánh bóng tên tuổi với công chúng.

Ca sĩ H., ca sĩ T., người mẫu N... không ngần ngại khoe những chiếc túi xách lên đến 200-300 triệu đồng của Hermès, Gucci hay LV...; dây thắt lưng lồ lộ thương hiệu D&G, LV...; khăn choàng đầy logo thương hiệu LV, Versace...

Những nghệ sĩ mới vào nghề, thu nhập chưa dư dả để chạy theo các thương hiệu trên cũng ráng xài hàng hiệu hạng thấp hơn như Zara, Mango, Bebe, Fcuk... Không ít nghệ sĩ vừa bước vào nghề cũng ráng chạy theo “trào lưu” hàng hiệu cho bằng chị bằng em nhưng mua nhầm hàng nhái. Khi trả lời phỏng vấn trên các trang mạng, một hotgirl còn “thật thà” nói giá các hàng hiệu cô dùng. Có lẽ cô không biết rằng chỉ một vài triệu đồng thì không thể mua được túi xách hay dây nịt của các thương hiệu mà cô nhắc đến.

Và gần như trong bất cứ sự kiện nào nghệ sĩ cũng dùng hàng hiệu để ghi dấu cho sự xuất hiện của mình. Thậm chí khi những món đồ hiệu của họ vô tình hoặc hữu ý bị mất, lập tức một vài ngày sau trên các trang mạng lại xuất hiện những chùm ảnh, tin về việc này.

“Văn hóa hàng hiệu” của sao Việt ảnh 1

Người đẹp Chung Thục Quyên từng khoác chiếc túi LV giữa một hàng người đẹp… tay không tại cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa. Tối 12-9, cô cũng tiếp tục xách chiếc túi hiệu LV to đùng trong buổi ra mắt album ca sĩ Yến Trang (ảnh phải). Tối 13-9, dự ra mắt phim Johnny English Reborn ở MegaStar TP.HCM, cô tiếp tục xuất hiện với chiếc túi Gucci (ảnh trái). Ảnh: TL

Làm từ thiện cũng hiệu

Cũng chính Coco Chanel từng nói rằng “Thời trang sẽ qua đi, chỉ có phong cách là còn nguyên không đổi”. Có lẽ đây là quan niệm đúng bởi phong cách và thời trang khác biệt nhau ở tính trường tồn. Một người có phong cách tự thân sẽ nhận thức đúng đắn về những gì họ khoác lên người trong từng hoàn cảnh.

Không ít người mẫu, ca sĩ, diễn viên Việt đi dự ra mắt phim, ra mắt album nhạc của bạn bè, thậm chí dự tiệc tối... lại xách những chiếc túi to đùng như túi đi chợ. Trên túi luôn lồ lộ logo các nhãn hiệu LV, Gucci, Chanel... Dường như họ không biết rằng những chiếc túi cỡ lớn này thường chỉ được các ngôi sao quốc tế dùng trong những dịp đi biển, mua sắm hay để đựng thú cưng. Chính việc trưng ra để người khác phải biết mình đang dùng hàng hiệu tạo ra sự kệch cỡm đập vào mắt công chúng.

Cũng không hiếm cảnh nghệ sĩ đi làm từ thiện vẫn dùng đồ hiệu, như nam ca sĩ H. với quan niệm: “Đi làm từ thiện không nhất thiết phải ủy mị, khóc lóc vì tôi tâm niệm rằng lũ đã đi qua, người dân, đồng bào còn phải sống tiếp, phải có niềm tin vào cuộc sống và mình phải tiếp thêm sức mạnh cho họ. Tôi vẫn ăn mặc đồ hiệu, vẫn nhảy hay và hát thật tốt để đem lại niềm vui đến cho đồng bào thân yêu”. Vì quan niệm đó, trong chuyến từ thiện của mình, anh diện đồ hiệu từ đầu đến chân. Hay diễn viên T., trong một buổi ca nhạc gây quỹ từ thiện đã đến để góp vào quỹ 10 triệu đồng với bộ trang phục, phụ kiện từ đầu đến chân hơn 250 triệu đồng.

Không ai ép nghệ sĩ phải sắm mặt buồn khi làm từ thiện. Thế nhưng khi nghệ sĩ khoác trên người bộ trang phục lộng lẫy hàng ngàn USD để đi làm từ thiện thì chỉ càng tô đậm thêm sự tương phản giàu-nghèo.

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng xu hướng dùng hàng hiệu không hề xấu. Người ta chọn hàng hiệu bởi chất liệu tốt, kiểu dáng thiết kế đẹp. Tuy nhiên, điều quan trọng của trang phục không phải là hiệu hay không hiệu mà trang phục đó phải thích hợp và tạo sự tự tin cho người mặc. Không ai cấm việc mặc hàng hiệu khi đi làm từ thiện nếu người mặc khéo chọn một chiếc sơ mi đơn giản để gần gũi, thân thiện với cộng đồng. Phong cách thời trang chính là sử dụng trang phục thích hợp với hoàn cảnh, không phô trương.

Hàng hiệu - chết ở Tây nhưng sống lại ở ta

Gần đây rất nhiều báo chí Tây phương bình luận về việc không ít thương hiệu lâu đời đã bị quên lãng tại phương Tây giờ lại sống khỏe ở khu vực có người giàu mới nổi như châu Á. Chẳng hạn thương hiệu Aquascutum (Anh) thành lập năm 1951, giờ đã được Công ty YGM Trading (Hong Kong) mua lại. Hiện Aquascutum có 50 cửa hàng ở Trung Quốc và 32 cửa hàng khác ở Hong Kong, Macau, Đài Loan.

Công ty Trinity (Hong Kong) mua lại khá nhiều thương hiệu thời trang nam của châu Âu: Kent & Curwen (Anh), Gieves & Hawkes (Anh), Cerrutti (Pháp)… Đến nay với các thương hiệu này, Trinity đã có hơn 330 cửa hàng khắp Trung Quốc.

___________________________________________

Siêu mẫu Carla Bruni, phu nhân Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, luôn thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế cũng như tình cảm của người dân Anh và Pháp bởi phong cách ăn mặc trang nhã. Từ giày, túi xách, dây nịt, quần áo, nón… của bà luôn là hàng hiệu. Thế nhưng không bao giờ công chúng có thể thấy logo của hiệu nào xuất hiện trên đó.

“Văn hóa hàng hiệu” của sao Việt ảnh 2

Phong cách thời trang của bà Carla Bruni luôn được các tạp chí thời trang xem là chuẩn mực bởi bà biết chọn trang phục, phụ kiện phù hợp cho hoàn cảnh xuất hiện. Tương tự bà Carla Bruni, với cách phục sức giản dị mà tinh tế, phu nhân hoàng tử Anh Kate Middleton cũng được xem như một chuẩn mực của thời trang.

NAM THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm