Dạy con đặt câu hỏi trong cuộc sống là một trong những kỹ năng giúp bé phát triển tư duy. Hãy tiếp tục xem những chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp, mẹ của của cậu bé Đỗ Nhật Nam.
Hai loại câu hỏi
Khi tôi đi dạy, tôi rất thích nghe học trò đặt câu hỏi. Câu hỏi càng hay, tôi càng thấy hứng thú. Và từ lúc Nam còn bé, tôi luôn khuyến khích con đặt câu hỏi.
Tôi cũng tự phân biệt, có hai loại câu hỏi: Câu hỏi tự phát và câu hỏi có chủ đề. Câu hỏi tự phát thì khỏi cần phải nói, Nam hỏi suốt, líu lo suốt, mẹ trả lời không kịp thở. Nhưng tôi quan tâm hướng dẫn Nam đến việc đặt câu hỏi theo chủ đề.
Có nghĩa là, bất kì khi tôi cùng làm với Nam một việc gì đó, như cùng con xem ti vi, cùng đi tham quan, cùng nấu nướng, cùng đi siêu thị, cùng đọc sách... tôi đều "kích thích" để Nam đặt câu hỏi.
Ảnh: Quan tâm hướng dẫn con đặt câu hỏi theo chủ đề. Ảnh: internet
Tôi luôn "bày trò”: Mẹ sẽ cùng con đi nhưng bất kì lúc nào, khi mẹ nói: Con đặt câu hỏi nào, ngay lập tức, con sẽ đặt ít nhất ba câu hỏi. Mẹ cũng phải trả lời ngay, bên nào chậm là thua nhé.
Ví dụ, hai mẹ con cùng đi siêu thị, tôi dặn: Con quan sát đi nhé, nếu con thấy điều gì hay, điều gì khác so với siêu thị khác mà mình đã từng đi, điều gì làm con ngạc nhiên hay điều gì con ấn tượng thì con cứ hỏi hoặc chia sẻ với mẹ nhé. Khi mẹ hô: Bắt đầu chơi, Nam sẽ có những câu hỏi, kiểu như: Mẹ ơi, sao chuối đắt thế mẹ nhỉ? hoặc Mẹ ơi, sao khi đi mua hàng, lại phải mua đồ đông lạnh cuối cùng? Tôi cố gắng giải thích tỉ mỉ.
Sau đó, để "thị phạm" cho Nam, tôi sẽ đặt câu hỏi thể hiện sự quan sát. Ví dụ, sao trong siêu thị, người ta không mở nhạc nhẹ nhàng như trong nhà hàng ăn mà luôn là nhạc ồn ào? Sách cũng được coi là "món ăn" sao không được bày cùng với các thực phẩm khác? Câu hỏi sẽ tăng dần mức độ khó.
Nam học hỏi được ngay, càng lớn, câu hỏi của Nam càng khó hơn thể hiện sự quan sát và suy nghĩ kĩ trước sự vật, sự việc và càng khiến mẹ "đau đầu", ví dụ, Nam hỏi: Tại sao, trong siêu thị, phụ nữ thường đông hơn đàn ông? Hoặc tại sao trên các quầy hàng của các cô nhân viên tính tiền lại luôn bày bán những thứ hàng nho nhỏ như kẹo cao su, cục pin, sao không xếp chúng vào ngăn phía trong?
Trước mỗi câu hỏi theo chủ đề của Nam, tôi thường tìm cách giải thích cặn kẽ, thậm chí ghi chép lại cẩn thận. Câu nào không thể trả lời được, tôi xin khất để "tìm quyền trợ giúp". Có lẽ chính vì sự tôn trọng đó mà Nam không ngừng suy nghĩ và không ngừng "làm khó" mẹ.
Vui nhất là khi hai mẹ con đọc sách cùng nhau, lúc này câu hỏi của Nam rất phong phú, về tất cả những điều Nam quan tâm khi đọc được. Có những câu hỏi rất buồn cười mà không thể không suy nghĩ, ví dụ với câu chuyện Cây tre trăm đốt, đến đoạn anh Khoai sau khi được Bụt trợ giúp làm cho lão trọc phú sợ chết khiếp đã phải gả con gái cho. Nam nghe xong (khi đó Nam chưa biết đọc), đã hỏi luôn: Thế anh Khoai cưới mà không có tình yêu hả mẹ?
Nam cũng từng hỏi tôi ““Vì sao không gọi heo cái là heo con gái hay heo mái mà lại gọi là heo nái?”. Ôi trời!
Tại sao, như thế nào, có cách nào khác?
Tôi luôn hướng dẫn Nam cách đặt câu hỏi sao cho hợp lý, cho khoa học. Hỏi không phải là sự đánh đố. Hỏi là cách mình suy nghĩ, quan sát, so sánh sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác. Nên đặt những câu hỏi mở, dưới dạng: tại sao, như thế nào, có cách nào khác.
Tôi cũng khen ngợi Nam khi có những câu hỏi mà theo tôi là hay, là trí tuệ. Khi Nam đặt câu hỏi, tôi không từ chối trả lời câu hỏi nào mà luôn phân loại: Câu này hay, mẹ rất thích và một loại là: Câu hỏi hơi nhạt nhẽo. Nam luôn cười khì khì mỗi khi bị mẹ chê là câu hỏi nhạt nhẽo.
Khi Nam lớn, kĩ năng đặt câu hỏi còn áp dụng sang cả việc học tiếng Anh nữa. Không biết có phải do ngoại ngữ tôi quá tệ hay không nhưng tôi thấy rất khó khăn trong việc đặt câu hỏi, nhất là thời kì đầu mới học. Vậy nên, tôi khuyến khích Nam sau mỗi bài học nói, tôi nói câu hỏi bằng tiếng Việt, Nam dịch ra tiếng Anh và tự trả lời.
Cứ thế, Nam tự hỏi, tự trả lời và tự kết nối thành một đoạn hội thoại khác. Tôi lo khâu "bối cảnh", trang phục, cho đúng với chủ đề. Thành thử cứ một bài học trên lớp mà về nhà hai mẹ con nghĩ ra bao nhiêu là bài khác, đến khi nào Nam thật nhuần nhuyễn thì thôi.
Tôi luôn nghĩ rằng, rèn luyện kĩ năng đặt câu hỏi cũng là cách làm cho tư duy của trẻ trở nên nhạy bén hơn. Lần Nam đi trả lời phỏng vấn để xin vào học một trường của Mỹ, Nam cũng chuẩn bị khá kĩ, nghĩ đến những phương án người ta sẽ hỏi. Nhưng khi gặp, người phỏng vấn, sau vài câu giới thiệu, chỉ nói: Bạn hãy đặt câu hỏi cho tôi về ngôi trường mà bạn đã quan tâm.
Vậy thôi.
Và không phải không có lý của nó.