Thần đồng và quyền tự do

Cũng là một thần đồng
Thần đồng và quyền tự do ảnh 1
Triết gia John Stuart Mill

John Stuart Mill (1806 – 1873) là một nhà triết học và nhà kinh tế chính trị học người Anh. Ông là một nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng lớn trong thời đại cải cách xã hội thế kỉ 19. Tác phẩm nổi tiếng Bàn về tự do (1859) của ông đã đề cập đến một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là sự tự do cá nhân hay quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và xã hội.

John Stuart Mill, một triết gia và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Anh, sinh năm 1806 tại London. Ngay từ khi mới ra đời, cuộc đời của ông đã “được” (hay “bị”) người cha là James Mill lên kế hoạch để trở thành thiên tài. Mới chỉ năm ba tuổi thôi, ông đã học tiếng… Latinh và môn số học. Tám tuổi đã đọc toàn bộ tác phẩm của nhà viết sử cổ Hy Lạp là Herodotus, đọc Platon và một phần lớn lịch sử.

Trước năm 12 tuổi ông đã học xong môn hình học Euclid và môn đại số. Năm ông 13 tuổi đã có kiến thức tương với chương trình đại học toàn phần.

Trong năm cuối dưới sự dẫn dắt của người cha, ở tuổi 13 ấy, ông dành sự chú ý cho môn Kinh tế chính trị học. Việc học của ông sau đó được nối tiếp với sự giúp đỡ của các bạn bè nổi tiếng của cha ông như John Austin giảng môn luật học và David Ricardo giảng môn kinh tế học. Ông tự nghiên cứu thuyết vị lợi của Jeremy Bentham.

Không chỉ là một con mọt sách, năm 17 tuổi ông đã làm việc tự kiếm sống ở công ty Đông Ấn nổi tiếng trong nhiều năm và sau đó tham gia tích cực trong các hoạt động xã hội như hoạt động cải cách hiến pháp. Ông cũng bị cả hai năm hụt hẫng, nhưng rồi sau đó lại hăng hái tham gia viết báo, xuất bản tác phẩm. Những tác phẩm của ông đã trở thành sách gối đầu giường của biết bao chính khách và có thể nói rằng ông là một trong những nhà kiến tạo nên bộ mặt của thế giới hiện đại, ít nhất là về mặt chính thể.

Quyền được làm thần đồng

Thần đồng và quyền tự do ảnh 2
Đỗ Nhật Nam.


Nhắc đến J. S. Mill khi bàn về “hiện tượng” Đỗ Nhật Nam bởi vì ông cũng được xem là một thần đồng của nước Anh thủa đó. Và cũng để nhắc là các “thần đồng đất Việt” khả năng cũng chưa có gì là ghê gớm so với thế giới khi chúng ta chỉ cần có một đứa bé ba tuổi nào đó biết đọc là báo chí đã tung hô rầm rĩ.

Nhưng việc chính mà cựu “thần đồng nước Anh” này làm được chính là ông đã ra sức bảo vệ cho quyền tự do của con người, trong đó tất nhiên có quyền tự do làm “thần đồng” của Đỗ Nhật Nam, chẳng hạn.

Bởi vì theo ông, “ranh giới của việc kiểm soát xã hội và quyền tự do cá nhân đó là mỗi người cần được tự do mưu cầu hạnh phúc cá nhân của mình trong chừng mực ta không mưu toan xâm phạm đến hạnh phúc của người khác hoặc ngăn trở những nỗ lực của người khác nhằm đạt được hạnh phúc”.

Cậu bé Đỗ Nhật Nam tất nhiên có quyền không ưa truyện tranh vì đó là chuyện sở thích riêng, nó không xâm hại vì đến quyền ưa truyện tranh của ai hết.

Một trong những “nguyên tắc vàng” nữa mà J. S. Mill đưa ra là việc “phải được sống theo hạnh phúc của mình hơn là bắt họ phải sống hạnh phúc theo ý những người xung quanh”. Con người phải được tự do hình thành những ý kiến và tự do bày tỏ ý kiến không chút giấu diếm bởi vì quyền tự do cá nhân là điều kiện cần thiết cho sự phát triển lâu dài và bền vững của xã hội.

Ông cũng nhận ra những yêu ghét của xã hội thường tạo ra thiết chế dưới hình thức hình phạt theo pháp luật hay dư luận. Thế nhưng trong việc cả một bộ phận lớn của cộng đồng mạng thi nhau tấn công một cậu bé như Đỗ Nhật Nam, chúng ta buộc phải suy nghĩ về cái gọi là “dư luận” ở dạng thông tin trên mạng hiện nay.

Ai được quyền “ném đá”?

Một trong những từ được lạm dụng đến đáng kinh tởm hiện nay, chính là từ “ném đá”. An ninh tinh thần của con người ngày nay bất an đến mức làm việc gì cũng có thể bị xúc phạm, phỉ báng, “ném đá” dù tư cách của những kẻ làm việc ấy là điều trước tiên cần phải đề cập chứ không phải là vấn đề mà họ đề cập.

Dưới chiêu bài đám đông, “cộng đồng mạng”, “dư luận”, những kẻ “ném đá giấu tay” này dường như vẫn còn muốn giữ chặt cái tâm lý cào bằng mọi việc. Tài năng hay chỉ là dấu hiệu của tài năng đã là vốn quý của xã hội. Ở trên thế giới, nếu như cha của J. S. Mill không đầu tư cho tài năng thiên bẩm của con ông, làm gì nhân loại có được những tác phẩm lừng danh như Bàn về tự do, Chính thể đại diện…

Đã đến lúc xã hội phải cân nhắc trong việc quy định những hình phạt về tội “ném đá” hay phỉ báng, vu khống người khác. Là tài năng hay thần đồng thì đâu có tội, nhưng phỉ báng hay xúc phạm tài năng, thần đồng thì có tội.

Vì đó chính là những điều đã vi phạm vào nguyên tắc về quyền tự do của J. S. Mill đưa ra: đó là xâm phạm vào hạnh phúc hay ngăn trở nỗ lực của người khác nhằm đạt được hạnh phúc.

Cần xem lại xã hội của ta đã có văn minh chưa khi một cậu bé chỉ vì các câu phát biểu về sở thích và ý nguyện đã bị “ném đá” tơi bời?

Theo Đoàn Đạt (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm