Hãy cùng xem chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp, mẹ của cậu bé “thần đồng” Đỗ Nhật Nam.
Ảnh minh họa: Internet
Khi mình bắt đầu nghề dạy học, bố mình có dặn: “Con làm thế nào để mỗi bữa ăn trong gia đình của học sinh con dạy, mọi người luôn nhắc đến con bằng một sự ân tình, trìu mến”.
Lời dặn giản dị nhưng đối với mình rất thấm, bởi thực sự, khi mình có con, mình nhận ra rằng, hầu hết các bữa ăn trong gia đình, mọi người thường hỏi về chuyện trường lớp, chuyện thầy cô của con.
Mình có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là: Không bao giờ nói những điều không tốt về thầy cô của con, trước mặt con.
Luôn luôn, mình dạy cho con, phải biết trân trọng, yêu kính thầy cô.
Mình nghĩ, trong quá trình con đi học, thế nào phụ huynh cũng có những điều chưa thật hài lòng với giáo viên, như cô cho bài tập nhiều quá, khó quá, cô nghiêm khắc hay cô dễ dãi quá, cô xử sự chưa sư phạm lắm, cô không công bằng... rất nhiều, rất nhiều.
Mình thường thấy, có ba kiểu phản ứng trước những sự việc này:
Thứ nhất là càm ràm, ca cẩm với con, như kiểu con mình thật là bất hạnh khi học phải giáo viên đó.
Thứ hai là ngồi bất cứ chỗ nào, dù có mặt con hay không cũng than phiền, cũng "kể xấu" giáo viên.
Thứ ba là gặp trực tiếp giáo viên để phản ảnh, có người thì nhẹ nhàng, người thì căng thẳng, bực tức.
Với mình, mình thường chọn cách.. .thứ tư: Để con tự giải quyết, dưới sự hướng dẫn của mẹ.
Con nhiều bài tập quá ư? Con hãy gặp cô giáo và nói: Con thưa cô, con rất xin lỗi nhưng con không thể làm xong bài. Nếu có thể, cô cho bài tập dao động từ khoảng... bài đến ... bài. Bạn nào làm nhanh, sẽ làm được số lượng bài tập nhiều hơn ạ.
Vậy thôi, chắc không có cô giáo nào từ chối trước đề nghị trên.
Tự giải quyết những vấn đề mình gặp phải sẽ giúp con cứng cáp và trưởng thành hơn.
Nhưng hãy cho con hiểu rằng: Trọng thầy mới được làm thầy- câu nói ấy chưa bao giờ sai. Khi nào con nghĩ đến các thầy cô với lòng thương yêu và thành thực biết ơn, con mới mau khôn lớn. Và bản thân mình, mình cũng luôn làm gương cho con về việc yêu kính thầy cô giáo của con. Khi viết thư, viết giấy xin phép, viết tin nhắn đều bắt đầu bằng: Kính thưa cô! Con học xong cô nào, tất cả ngày lễ, tết, mẹ vẫn nhắn tin chúc mừng, cảm ơn cô đã cho con có ngày hôm nay.
Mình cũng luôn giải thích với con rằng: Thầy cô không phải là thần thánh, thầy cô cũng có những nỗi lo, nỗi buồn, cũng cần con giúp đỡ. "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", con cũng chính là người tạo ra niềm vui đó, đừng chỉ chờ đợi thầy cô mang đến niềm vui cho mình.
Mình nhớ cảm giác của mình năm học lớp 1, khi mình tình cờ nhìn thấy cô giáo đứng ăn kem bên đường. Mình rất buồn, rất băn khoăn: Sao cô giáo lại có thể ăn quà bên đường.
Vậy nên, trẻ cần được giải thích để hiểu về công việc của thầy cô nhưng đừng dập tắt những niềm tin diệu kì về những người thầy người cô của trẻ.
Hãy gói ghém những điều chưa ổn trong lòng, hãy hướng dẫn con cách giải quyết.
Và nở nụ cười thật lòng bên mâm cơm.
Mình nghĩ đó là đủ cho Hạnh phúc.