“Đá bậy” đang ném vào tuổi thơ Đỗ Nhật Nam

Trước khi chỉ trích, hãy nhìn lại mình

11 tuổi là có thể Nam đã bước vào tuổi đầu dậy thì, ở tuổi này các em rất nhạy cảm. Khi bị đánh giá là kiêu căng, tự mãn… các em đều dễ bị sốc. Em sẽ giật mình tại sao khi mình nói về thành tích thì lại cho là kiêu căng? Em cảm thấy những gì mình làm được sao không được ghi nhận.

Trên mạng xã hội, chỉ cần có người khác mình một chút hoặc người ta nói sơ suất gì một chút là nhiều người sẵn sàng ném trả, chê trách. Tôi nghĩ những người trên mạng trước khi chỉ trích một đứa trẻ 11 tuổi thì hãy nhìn lại xem mình đã làm được như em chưa?

Qua sự việc này, tôi thấy các phương tiện truyền thông phải có độ lọc kỹ khi truyền tải, cân nhắc có nên đưa hay không. Với những đứa trẻ nổi trội hơn trẻ cùng trang lứa như Nam, muốn tốt cho các em thì truyền thông hãy để cho các em có được một môi trường bình thường, càng ít người biết càng tốt. Đưa lên mạng như là cung cấp cho người ta một món ăn, đã cho người ta ăn họ có thể khen ngon, chê dở, mỉa mai. Đó là nơi ẩn danh nên khó ngăn được những ý kiến trái chiều.

TS Tâm lý giáo dục THẠCH NGỌC YẾN

Tuổi thơ đâu cứ phải chăn trâu, thả diều?

Sáng hôm nay đến trường tôi thấy Nam vẫn bình thường nhưng có vẻ hơi buồn hơn so với mọi ngày. Tuy nhiên, sau tiết chào cờ đầu tuần buổi sáng, em ấy đã chạy chơi ầm ĩ với các bạn. Nam thích nhất là trò lướt ván, ngày nào em cũng mang theo ván để lướt. Đó cũng là một trong những trò chơi tuổi thơ của em, đâu nhất thiết tuổi thơ cứ phải là chăn trâu, thả diều? Trường tôi hay có chương trình cho các em đi học thực tế theo từng chủ đề do các em chọn. Qua những hoạt động này, các em có điều kiện quan sát thế giới xung quanh, tự tin thể hiện chính kiến. Do vậy, cách trả lời phỏng vấn của Nam là sự tự tin thể hiện chính kiến chứ không phải sự kiêu ngạo thiếu khiêm nhường.

“Đá bậy” đang ném vào tuổi thơ Đỗ Nhật Nam ảnh 1

Trang web của trường Newton và Facebook Hội những người hâm mộ bé Đỗ Nhật Nam. Ảnh: INTERNET

Nam là một đứa trẻ hoàn toàn giống bao đứa trẻ bình thường khác, rất lễ phép, hồn nhiên, chan hòa. Việc đọc nhiều cũng không hề do cha mẹ ép mà vì em ham đọc, thậm chí cha mẹ còn khuyên em giảm bớt. Các giáo viên trong trường đều rất bức xúc trước những lời chỉ trích của cộng đồng mạng về Nam. Chúng tôi thống nhất nhau là cứ để mọi việc diễn ra bình thường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của Nam.

LÊ THỊ BÍCH DUNG, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Newton (nơi Nhật Nam đang học)

Hãy khách quan với bé Đỗ Nhật Nam

… Ở trường, Nam là một học sinh hồn nhiên, vui vẻ, thông minh, em luôn thích tham gia các câu lạc bộ lướt ván, cầu lông, bơi, đóng kịch... cùng với các bạn trong lớp. Em Nam luôn chăm chỉ học hành đều tất cả các môn. Em có năng khiếu rất tốt về MC và năng khiếu đặc biệt về tiếng Anh. Em có những chính kiến riêng nhưng theo kiểu rất hồn nhiên. Em đọc sách nhiều nên khả năng ngôn ngữ của em tương đối chuẩn. Tất cả các bạn trong lớp đều quý và chơi thân với Nam. Kết quả em có được như hiện nay là do sự chăm chỉ học hành cộng với một phần năng khiếu của em tạo nên. Ở Trường Newton, Nam là tấm gương để nhiều bạn học tập về nhiều mặt. Ngoài ra, em chưa bao giờ tự nhận mình là thần đồng. Danh hiệu ấy chắc chắn là do người lớn và xã hội tự đặt cho em.

Khi Nam nói rằng “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” thì một số người quay lại đả kích em và cả phương pháp giáo dục của mẹ em… Nếu chúng ta còn tiếp tục bình luận, mổ xẻ và chê bai thì không phải ai khác mà chính chúng ta đang làm ảnh hưởng tới tuổi thơ của cậu bé. Chúng tôi hy vọng rằng mọi người hãy cùng nhìn nhận sự việc một cách khách quan và đừng để một nhân tài tương lai bị vùi dập bởi vòng xoáy dư luận.

Trích thư của cô LƯU THỊ THU HƯỜNG (GVCN lớp 6G của Nam) đăng tải lên website của trường

THANH MẬN ghi

Luật chưa phạt người xúc phạm trên mạng

Điều 37 Bộ luật Dân sự có quy định công dân được quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào xử phạt hành chính về hành vi xúc phạm danh dự người khác trên mạng xã hội cả.

Điểm a khoản 1 Nghị định số 73/2010 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội có quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Tuy nhiên, những hành vi này được hiểu là thể hiện trực tiếp ngoài đời sống thực chứ không phải trên mạng. Còn hành vi này diễn ra trên mạng chỉ có một cách duy nhất là đương sự kiện bên xúc phạm danh dự nhân phẩm ra tòa án để đòi bồi thường thiệt hại (nếu đã xác định được người có hành vi xúc phạm đó là ai ở ngoài đời thực). Lúc này tòa án mới thụ lý giải quyết theo Điều 37.

Tôi nghĩ Nghị định 73 cần được bổ sung vì có thể khi ban hành nghị định, các nhà làm luật không thể lường trước hết thực tế cuộc sống về thế giới mạng để đưa hành vi này vào. Tuy nhiên, do gia đình em Nam không muốn làm lớn chuyện nên chẳng ai bị xử lý gì cả.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và Gia đình, Trường ĐH Luật TP.HCM

Trên trang “Anti thằng Đỗ Nhật Nam”, một người tên Nguyen Hoang Ha viết: “Vãi cả em Nhật Nam, tuổi thơ của em ý thật dữ dội, không phải em í là cụ non đâu mà em í như kiểu bị đao (down) í, phát triển không giống các bạn cùng trang lứa, không làm những việc mà bao bạn bè bình thường vẫn làm. Liệu bố mẹ em có dính chất độc màu da cam. Khổ thân. Mọi người phải thương em í mới đúng vì em í không được bình thường như mọi người và em ý trông không giống người cho lắm”. Nhiều người còn phong cho Nam là con sâu đục khoét tâm hồn Việt Nam, dùng rất nhiều hình minh họa chế giễu em.

Tuy nhiên, rất nhiều người trên thế giới mạng phản đối hành vi này. Nhiều trang Facebook được lập ra để ủng hộ Nam như Hội Những người bảo vệ bé Đỗ Nhật Nam, Hội Những người hâm mộ bé Đỗ Nhật Nam…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm