Ứng xử trên mạng cũng phải có văn hóa

Phải biết giữ gìn nhân cách của bản thân

Ứng xử trên mạng cũng phải có văn hóa ảnh 1
Việc một ai đó có những quan điểm hoặc hành động không theo suy nghĩ của số đông hoặc một bộ phận dư luận xã hội bị “ném đá” bằng đủ mọi hình thức không có gì mới trong thời gian qua. Nạn nhân mới nhất của việc không ít người lạm dụng sự dân chủ trên các diễn đàn mạng, ở đây chủ yếu là Facebook, chính là bé Đỗ Nhật Nam. Bé Nam và cả bố mẹ của bé bị một bộ phận “người lớn” chỉ trích, phê phán và chụp mũ đủ điều, tạo ra cả một làn sóng phản ứng tiêu cực, chỉ vì họ bị cho là “thiếu khiêm tốn”, “khinh đời” và một lý do rất nực cười nữa, “không thích truyện tranh”.

Rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ để vui đùa, xả stress, để soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi có phần tầm thường và ít va chạm xã hội, hoặc có định kiến với xã hội của mình. Sự nhanh chóng của Facebook, với việc có thể đưa lên ngay lập tức theo thời gian thực một quan điểm, càng khiến họ trở nên thiếu suy nghĩ, càng bộc lộ sự thiếu chín chắn của mình.

Tư duy sai lầm khi cho rằng đây chỉ là thế giới ảo, cho nên có thể nói gì, làm gì cũng được mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do những lời mình viết lên sau bàn phím, đã tạo ra một sự dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng. Khi các mạng xã hội, mà ở đây là Facebook, được sử dụng để truyền tải những nội dung và quan điểm lệch lạc, dễ dãi, thiếu trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, nó trở thành một công cụ nguy hiểm trong tay của một số đông “cùng chất”. Tâm lý bầy đàn, hiếu kỳ, a dua a tòng và thiếu những suy nghĩ chín chắn ấy sẽ cùng tốc độ lây lan nhanh của Facebook tạo ra những làn sóng ập lên những “nạn nhân” khác “chất” của họ, như trường hợp của bé Nam. Điều nguy hiểm là tâm lý ấy không chỉ được nhân lên nhờ sự lan tỏa của Facebook, mà còn bị lợi dụng và định hướng theo mục đích câu view của không ít trang báo lá cải.

Ứng xử trên mạng cũng phải có văn hóa ảnh 2

Nhật Nam rất thích đọc sách khoa học. Ảnh: INTERNET

Phải chăng bây giờ nhiều người có thể làm bất cứ điều gì để thể hiện cái tôi của mình, người mà ngoài đời thực không-là-gì-cả, với mục đích duy nhất là nhằm cho mọi người biết đến?

Tôi và nhiều admin của các fanpage bóng đá lớn đã khởi xướng phong trào “Cổ vũ có văn hóa” trong các diễn đàn bóng đá lớn. Làm thế nào để các fan bóng đá yêu bóng đá và bớt đi sự tục tĩu, thù hằn với nhau trong những cuộc cãi lộn hằng ngày, hằng giờ là một điều không hề dễ dàng, bởi nhiều trong số các fan còn rất trẻ ấy cho rằng việc thô tục ấy là một thói quen “vô hại”. Các bạn chắc chắn không thể tưởng tượng được trên nhiều diễn đàn bóng đá, các bạn trẻ đã cư xử với nhau bằng những ngôn ngữ hằn học, chợ búa và bậy bạ đến nhường nào. Một số bạn khi được hỏi tại sao lại dùng ngôn ngữ ấy với những người không thích đội bóng của mình thì họ trả lời, phải như thế “nó” mới biết sợ, và rằng “thực ra đây chỉ là nói nhau trên mạng thôi mà, có vấn đề gì đâu”. Họ suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Tôi muốn đặt một câu hỏi nữa: Một khi sự hận thù, đố kỵ, chỉ trích và vùi dập theo kiểu mông muội bầy đàn giữa những thanh niên được gieo rắc trên Facebook mà không ai ngăn chặn, lên tiếng thì những quan hệ đối xử tệ hại có vẻ như là ảo ấy, một lúc nào đó, có thành thật ở ngoài đời không? Tôi muốn nhường cho các bạn trả lời nhưng tôi tin là có.

Đừng để Facebook giết chết nhân cách của chính mình, sau khi chúng ta giết chết người khác ở trên mạng, chỉ vì người đó không giống ta!

Nhà văn, nhà báo TRƯƠNG ANH NGỌC

Ứng xử trên mạng cũng phải có văn hóa ảnh 3
Ứng xử trên mạng cũng phải có văn hóa ảnh 4

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm