Nhưng thực tế cũng đã có những buổi họp phụ huynh thú vị được người trong cuộc chia sẻ.
Mình có quãng thời gian không dài lắm dạy ở trường phổ thông nhưng cũng đem lại nhiều trải nghiệm thú vị, trong đó có việc họp phụ huynh.
Những lá thư bí mật
Trước buổi họp phụ huynh, mình thường dành cho học sinh một khoảng thời gian để được phép ghi vào một mảnh giấy“Những điều con muốn nói” với bố mẹ. Đảm bảo là sẽ tuyệt đối bí mật, chỉ con và bố mẹ biết. Học sinh được viết thì hào hứng, viết xong mình chuẩn bị sẵn phong bì để các em bỏ vào, ghi tên bố mẹ mình và đặt trong ngăn bàn. Giờ họp, mình có sơ đồ để phụ huynh được ngồi vào đúng chỗ của con em. Món quà bí mật đầu tiên dành cho các phụ huynh khi bắt đầu họp là lùa tay vào ngăn bàn để nhận thư với cam kết phải giữ bí mật. Có phụ huynh đọc xong thì tươi như hoa nhưng có phụ huynh thì nước mắt giàn giụa. Bởi những câu nói ngây thơ kiểu như: Mẹ ơi, mẹ đừng đi làm về muộn nữa! hoặc Bố mẹ ơi, đừng cãi nhau nữa nhé!. Phụ huynh được sống trong những cảm xúc rất yêu thương, tin cậy.
Tiếp đó, mình sẽ chọn mỗi học sinh một cuốn vở sạch đẹp nhất trong số các cuốn vở để phụ huynh của em chiêm ngưỡng. Mình cũng giải thích với phụ huynh rằng tại sao mình lại chọn cuốn đẹp nhất mà không phải là những cuốn xấu hơn bởi điều đó cho thấy các em hoàn toàn có thể đạt được những mức như vậy, miễn là các em cố gắng. Ngay cả trong số những quyển vở đẹp, mức độ đẹp cũng khác nhau, điều đó cũng không sao, đối với mình đều là đẹp cả. Phụ huynh hãy hài lòng với cái đẹp của riêng mình. Mình cũng chia các em học sinh thành các nhóm khác nhau, em thì có thiên hướng về nghệ thuật, em thì có năng lực về toán, về tiếng Việt. Em nào cũng được nằm trong một nhóm nào đó. Mình nêu đặc điểm của các nhóm, cả ưu điểm và nhược điểm, cách khắc phục cho từng em.
Một buổi họp phụ huynh chuẩn bị cho kỳ thi của các học sinh trong lớp. Ảnh: HTD
Cuối cùng, phần mình mong đợi nhất, mình sẽ đọc cho phụ huynh nghe tập hợp những câu nói, những việc làm dễ thương nhất của mỗi học sinh mà mình đã ghi chép được. Có năm khi mình đọc câu của một em học sinh được coi là “cá biệt” trong lớp rằng: Cô ơi, nếu sau này em giàu có, em sẽ cho bất cứ người ăn xin nào em gặp ngoài đường 5.000 đồng. Tất cả phụ huynh ngồi dự ai cũng bật cười rồi lại rơm rớm nước mắt…
Đừng để buổi họp chỉ nói về góp tiền
Cứ thế, buổi họp phụ huynh trôi trong những cảm xúc rất ngọt ngào. Có năm mình chia phụ huynh ra thành các nhóm để ghi những điều phụ huynh mong muốn vào một tờ giấy đã chuẩn bị sẵn. Được viết chứ không cần phát biểu công khai, mọi người cũng vui vẻ và tự nhiên hơn. Mình sẽ tập hợp những ý kiến đó, sau buổi họp sẽ viết thư cho từng nhóm để ghi nhận những đóng góp của mọi người cũng như những thay đổi của mình để tiệm cận gần nhất với mong muốn của phụ huynh.
Sau này, khi có con đi học, mình chưa bao giờ bỏ bất cứ buổi họp phụ huynh nào của con. Các cô giáo đã từng dạy Nam đều rất hiểu biết và tâm lý, không biến họp phụ huynh thành buổi chỉ nói về đóng góp tiền. Thật mừng! Mình chỉ mong mọi phụ huynh sau khi đi họp về cảm thấy tin tưởng hơn vào con mình, hiểu về những cách thức giúp con mình học hiệu quả hơn chứ không phải là nỗi ám ảnh đóng góp hay nhược điểm của con. Mình mong mỗi phụ huynh được đi họp cho con giống như đi đến một buổi lễ, ăn mặc đẹp, lịch sự, cầu thị. Không phải là đi dép lê loẹt xoẹt, đến ào ào hỏi vọng lên: Cô ơi, đóng bao nhiêu tiền để tôi còn về! Giáo viên và phụ huynh phải cùng chung niềm tin, chung tình yêu, đó là những đứa trẻ. Điều đó cũng có nghĩa là thêm nhiều niềm vui cho nhà trường và cho mỗi gia đình.
PHAN HỒ ĐIỆP (*)
Ông HÀ Minh QUANG, nguyên giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Tây Ninh: Đừng để học trò bất an Tôi đã nghỉ hưu sau hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo. Các em học sinh khóa sau vẫn hay đến thăm và tâm sự với thầy. Các em hồn nhiên kể về các thầy cô chủ nhiệm của mình bằng những biệt danh như “cô chằn lửa”, “thầy cổ đại”... ““Thầy cổ” đại lớp em ghê lắm, giờ sinh hoạt chủ nhiệm (SHCN) cả lớp cứ ngồi im phăng phắc, thầy hỏi bạn nào thì bạn ấy trả lời, các bạn khác có muốn nói cũng không được”. “Giờ SHCN của lớp em, “cô chằn lửa” gõ cây thước cạch cạch xuống bàn rồi lật sổ đầu bài, căng thẳng cực kỳ. Đứa nào bị lên thớt thì nghe cô chửi ù tai luôn, dám cãi một câu là chết với cô!...”. Theo thời khóa biểu chính thức thì mỗi tuần các lớp đều có tiết SHCN. SHCN là một hình thức tổ chức tự quản cho học sinh, diễn ra dưới sự điều khiển của ban cán sự lớp, có sự quan sát và đóng góp ý kiến của giáo viên chủ nhiệm (GVCN). Thế nhưng ở một số lớp và một số trường, tiết SHCN là để thầy cô “luận tội” và “trừng phạt” học sinh vi phạm. Nếu lớp bị xếp loại thi đua cuối bảng thì những em vi phạm sẽ phải chịu nhiều hình phạt nặng nề như chép phạt, nêu tên trước cờ, bị miệt thị, xúc phạm. Kết quả của các hình thức trừng phạt đó sẽ làm các em có tâm lý tiêu cực như bất hợp tác hoặc mất tự tin. Đáng lẽ tiết SHCN là cơ hội để thầy cô hiểu và giúp đỡ học sinh của mình thì ngược lại, nhiều thầy cô đã làm các em bất an và tuyệt vọng. Hiện nay GVCN luôn chịu nhiều áp lực từ việc phải đảm bảo thành tích của lớp, của trường nên dễ trở thành “bà chằn” trong mắt học sinh. Hậu quả là học sinh cũng dễ bị ức chế tâm lý dẫn đến nhiều hành động bột phát. Từng có em học sinh nổi khùng lên và đánh trả thầy. Hành động đó gây nên tổn thương sâu sắc cho cả thầy và trò, không dễ gì hàn gắn được. Để tránh những hiện tượng tiêu cực trên, thầy cô hãy là chỗ dựa tinh thần cho các em. GVCN phải gây được hứng thú cho học sinh, không làm cho giờ sinh hoạt căng thẳng, nhàm chán để các em có thể bày tỏ, tâm sự. Khi được các em tin tưởng, thầy cô rất dễ chạm đến, khích lệ những điều tốt đẹp nhất trong trái tim của học trò, dễ cảm hóa các em. |
(*) Bài trích từ Facebook của tác giả, chị là mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam