Chỉ có 107 trong tổng số gần 10.000 trẻ 6-18 tháng tuổi trên địa bàn quận Bình Tân được nhận nuôi dạy trong các cơ sở mầm non, chủ yếu ngoài công lập. Đây là vấn đề được nêu ra nhiều nhất trong ngày khảo sát thứ hai của Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM tại quận Bình Tân về công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn quận ngày 12-2.
Trẻ 6-18 tháng tuổi bơ vơ
Tại phường Tân Tạo A, trong 10 trường và nhóm lớp mầm non có phép, không có cơ sở nào nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi, chỉ có một lớp duy nhất dành cho trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi. Nguyên nhân do không đảm bảo cơ sở vật chất, giáo viên không có chuyên môn về nhà trẻ, đầu tư cao nhưng lợi nhuận thấp…
Bà Trần Thị Thúy Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Vy Vy tại phường Tân Tạo A thẳng thắn, trường có diện tích gần 700 m2 và đang nuôi dạy khoảng 200 trẻ nhưng chỉ nhận từ 18 tháng tuổi trở lên. Trường không dám nhận trẻ nhỏ hơn vì vấn đề an toàn trách nhiệm nặng, một giáo viên chỉ phụ trách năm trẻ vừa không tuyển được giáo viên vừa không có nguồn thu để trả lương cho họ.
Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP đang thăm một lớp mầm non tại Trường Mầm non tư thục Phượng Hoàng, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Ảnh: PHẠM ANH
Đại diện Phòng LĐ-TB&XH quận đề xuất trẻ dưới 12 tháng nguy cơ tai nạn cao nên công tác chăm sóc cực nhưng thu nhập cũng như giáo viên khác là không hợp lý. Nhà nước cần tính toán chế độ phụ cấp cho các cô, không nên cào bằng lương và chính sách giữa giáo viên mẫu giáo và nhà trẻ. Có như thế mới thu hút nguồn tuyển giáo viên và đảm bảo đời sống cho họ.
Đóng thì lo, mở cũng không yên
Theo kết quả khảo sát cuối năm 2013, toàn quận có 125 đơn vị và 90 nhóm trẻ gia đình chưa có phép với hơn 6.000 trẻ. Quận đã đóng cửa 52 cơ sở thiếu an toàn. Đối với 90 nhóm trẻ gia đình nhỏ lẻ không phép, quận đang cố gắng kết hợp với các tổ chức ở địa phương vận động để kéo giảm tỉ lệ trẻ, sao cho mỗi nhóm trẻ không quá hai trẻ/nhóm và khuyến khích hội viên Hội Phụ nữ nhận nuôi.
Đại diện lãnh đạo phường Bình Trị Đông B cho biết phường còn 19 nhóm lớp gia đình không phép nhưng không dám đóng cửa vì khó đảm bảo an sinh xã hội. “Chủ cơ sở cũng là dân lao động nghèo, nhận giữ trẻ giùm cho người lao động nghèo để có thu nhập. Mỗi tháng trẻ chỉ đóng 1 triệu đồng họ cũng nhận vì họ không biết làm gì khác để mưu sinh. Phạt tiền ít thì không đáng, phạt nhiều lại thấy nặng quá vì trình độ của họ thấp, có cho họ vay tiền họ cũng không vay nên chúng tôi không biết phải làm sao. Đóng cửa cũng tội họ, không đóng thì chúng tôi không yên vì nguy hiểm cho trẻ và thương người lao động không biết gửi con nơi đâu” - vị này nói.
Ông Phạm Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho hay từ nay đến năm 2016, quận sẽ cố gắng khánh thành thêm 11 trường mầm non để giảm áp lực này. Đồng thời sẽ triển khai thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng tuổi vào hai trường công lập và một trường tư để đáp ứng nhu cầu của người dân.
PHẠM ANH
Không xử lý một cách máy móc Theo quy định, các trường công lập phải nhận trẻ từ sáu tháng tuổi trở lên nhưng không còn chỗ vì trường lớp thiếu, hạn hẹp, trẻ quá tải, đội ngũ không có… Nguyên nhân do lâu nay chúng ta đầu tư cho mầm non chưa toàn diện dẫn đến lỗ hổng về chăm sóc, giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi như hiện nay. Có giai đoạn chúng ta đầu tư mạnh cho mầm non, có khi lại bỏ ngỏ, tập trung chưa đồng đều ở các độ tuổi nên tồn đọng khó khăn về sau. Nhà nước giải quyết không được, buộc tư nhân phải vào cuộc để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ cho người dân. Chúng tôi đang yêu cầu tất cả quận, huyện phải tổng rà soát, điều tra cụ thể số trẻ từ sáu tháng tuổi trở lên, nắm được nhu cầu từng địa bàn để có lộ trình thực hiện đầu tư mở rộng trường lớp và đào tạo đội ngũ, không để xảy ra tình trạng nơi thừa nơi thiếu trường lớp. Đối với các cơ sở mầm non không phép cũng không nên máy móc đóng cửa mà phải vận động, lắng nghe và hỗ trợ cho họ về cơ sở vật chất hoặc tài chính, kiến thức để họ hiểu và đảm bảo an toàn cho trẻ. Ông HUỲNH CÔNG HÙNG, Trưởng ban Văn hóa |