Thầy Nguyễn Đình Độ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM
Đã từ rất lâu, tôi luôn nói với học trò những lớp tôi dạy vào các dịp lễ 20-11: “Thầy luôn chờ đợi những món quà từ các em và quí phụ huynh. Đó là những bông hoa điểm mười tươi thắm và những tấm lòng trân trọng, quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, cụ thể là quan tâm đến việc học hành, tiến bộ nơi các em. Món quà tinh thần này mới đầy ý nghĩa, mới là điều không chỉ thầy mà các thầy cô khác cũng đang trông chờ! Nhớ đấy, các em nhé!”.
Có lẽ nhiều người nói rằng tôi đang hô khầu hiệu cho lớn, hoặc đang động viên phong trào. Thật ra, đó chính là tâm tư không chỉ của riêng tôi, mà còn của biết bao các thầy cô khác. Còn gì vui hơn khi học trò của mình ngày một tiến bộ, ngoan ngoãn, giỏi giang! Còn gì hạnh phúc hơn khi những lúc giảng bài mệt mỏi trên lớp, chỉ cần nhìn những ánh mắt hài lòng, mãn nguyện của học sinh là mọi mệt mỏi trong người tan biến.
Tôi biết thầy, cô nào cũng vậy, khi thấy các ánh mắt chứa chan niềm tin yêu, những cái gật gù đầy tâm đắc của học sinh trước một bài văn hay, một áng thơ tuyệt tác hay trước cách giải mới lạ của một bài toán, lí, hóa, … Chỉ chừng đó thôi đã tràn đầy một niềm vui, hạnh phúc đến tột cùng. Chắc hẳn đâu riêng chỉ mình tôi có cảm nhận hạnh phúc đơn sơ đến như vậy!
Chính vì lẽ đó, rất nhiều thầy cô vô cùng trân quí các giá trị tinh thần do nghề giáo mang lại. Đây là điều mà các nghề khác không thể có được, vì sản phẩm của nghề giáo là những sản phẩm sống , sản phẩm biết nói!
Có vui không khi nhận những món quà, những phong bì mà lòng lúc nào cũng nặng trĩu những tâm tư, trăn trở khi học sinh của mình lại yếu kém, không ngoan?
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là thầy cô phủ nhận sự biết ơn, trân trọng của các bậc phụ huynh đã dành cho mình. Trên hết các bậc phụ huynh phải hiểu được lòng tự trong vốn cao độ nơi các thầy cô: khi chọn nghề giáo, các thầy cô đã chấp nhận một cuộc sống thanh bạch nhưng đầy thanh thản!
Tất nhiên món quà là một bông hoa, một thiệp chúc mừng, … đã là quá đủ để tỏ lòng biết ơn với các thầy cô rồi! Nhiều bậc phụ huynh thực sự muốn tặng phong bì để các thầy cô tiện mua sắm, nên chăng thay bằng các phiếu quà tặng thì trong một chừng mực nào đó sẽ làm các thầy cô đỡ bị tổn thương hơn!
Thầy Nguyễn Đình Độ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM
Tặng quà không khéo sẽ làm mất sự trong sáng của học sinh Tặng quà cho thầy cô giáo nhân ngày 20-11 không có gì là xấu. Cái chính là tặng cái gì và tặng như thế nào. Những năm 1980, khi đến ngày hiến chương nhà giáo là học sinh chúng tôi lại chuẩn bị những món quà có ý nghĩa để tặng thầy cô giáo. Những món quà ngày đó chỉ mang tính chất tinh thần là chính, không mang nặng yếu tố vật chất (vì có muốn cũng không được). Tuy nhiên cả người được tặng và người tặng đều rất vui vì nó xuất phát từ chính tấm lòng của cả 2 phía giành cho nhau. Còn bây giờ thì sao, xã hội phát triển, kinh tế khá hơn trước nhưng tình cảm con người giành cho nhau nhẹ đi phần nào và thiếu sâu sắc. Cuộc sống thực dụng hơn rất nhiều. Tất nhiên không phải giáo viên nào cũng vui khi nhận quà trong ngày 20-11. Nhưng phần đông vẫn mong muốn có được những phần quà có giá trị từ phụ huynh học sinh. Việc tặng quà cho thầy cô giáo hiện nay đa phần là do phụ huynh chứ học sinh không có quyền quyết định. Học sinh cũng không được quyền tham gia, thậm chí còn là bí mật nữa. Như vậy, vô hình dung, chúng ta đã dạy con em mình một việc làm thiếu tính nhân văn, tước mất quyền ngây thơ, trong sáng của các em. Cách tốt nhất khi đến 20-11, cứ để cho các em học sinh tự cư xử với thầy cô của mình. Phụ huynh không nên can thiệp vào đó để làm mất đi tình cảm thầy trò. Hãy cứ để mối quan hệ thầy trò vận động và phát triển theo cách tự nhiên. Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM |
Chủ đề ngày 20-11, có nên tặng phong bì cho giáo viên, vẫn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Chúng tôi sẽ tiếp tục đón nhận thêm những chia sẻ, góp ý của phụ huynh và những người trong ngành giáo dục. Bạn đọc có thể gửi ý kiến trong phần Ý kiến bạn đọc bên dưới bài viết này.