Phổ biến giáo dục pháp luật trong ngành giáo dục

Chỉ thị nêu rõ, đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành, cần tập trung vào các nội dung cơ bản như pháp luật về giáo dục, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở, hội nhập quốc tế và các quy định liên quan nhiệm vụ chuyên môn của từng đối tượng. Ðối với người học, tập trung vào các nội dung cơ bản như quyền và nghĩa vụ của công dân, lý luận cơ bản về pháp luật phục vụ việc tìm hiểu và thực hiện pháp luật. Trong những năm trước mắt tập trung PBGDPL về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bảo vệ môi trường, quy chế thi cử và các quy định cụ thể liên quan cuộc sống và học tập phù hợp từng cấp học và trình độ đào tạo.

Về hình thức và phương pháp, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông: rà soát, xây dựng, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục pháp luật phù hợp với học sinh theo cấp độ tuổi. Ðổi mới phương pháp dạy và học pháp luật theo hướng tăng thực hành, phát huy tính tích cực của học sinh. Giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: xây dựng, hoàn thiện chương trình môn học để đưa các kiến thức pháp luật cơ bản, đại cương vào nội dung chương trình của tất cả các ngành đào tạo. Nghiên cứu đưa nội dung pháp luật phù hợp vào giảng dạy ở các ngành không chuyên luật. Nâng cao chất lượng đào tạo ngành luật, trong đó chú ý các nội dung pháp luật quốc tế. Giáo dục thường xuyên: nghiên cứu đưa các nội dung pháp luật cơ bản, tinh giản, thiết thực và phù hợp với đối tượng người học. Nội dung PBGDPL cần được lồng ghép vào nội dung các hoạt động ngoài giờ lên lớp, cung cấp các tài liệu PBGDPL và xây dựng tủ sách pháp luật, tổ chức báo cáo chuyên đề pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chính trị... Hoạt động PBGDPL ngoại khóa phải được thực hiện trên cơ sở các kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề bảo đảm tính hệ thống và hiệu quả.

Các cơ sở GD và ÐT cần tập trung các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bổ sung đủ số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân ở giáo dục phổ thông, giáo viên môn pháp luật ở trung cấp chuyên nghiệp, giảng viên pháp luật ở đại học, cao đẳng. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa và có chế độ đãi ngộ phù hợp với đội ngũ này.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40/2004/CT-BGD&ÐT tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của ngành. Tất cả các sở GD và ÐT, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phải cử cán bộ chuyên trách thực hiện công tác pháp chế, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là giúp thủ trưởng đơn vị tổ chức công tác PBGDPL. Xây dựng chương trình và tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ pháp chế chưa qua đào tạo chuyên ngành luật.

Tiếp tục hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân. Phối hợp các bộ, ngành liên quan hoàn thiện thể chế, chính sách cho cộng tác PBGDPL nói chung, tăng cường đội ngũ giảng viên môn pháp luật, giáo viên môn giáo dục công dân nói riêng. Ðẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên và cán bộ phụ trách công tác PBGDPL.

Các sở GD và ÐT rà soát đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân trong các trường phổ thông, xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể bổ sung, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên môn học này. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng bổ sung môn học pháp luật đại cương vào chương trình giáo dục đại học của tất cả các ngành học.

Các trường sư phạm, khoa sư phạm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân ở cấp THCS, THPT. Các trường trung cấp chuyên nghiệp hoàn thiện chương trình, đổi mới nội dung, giáo trình, kết hợp với đổi mới phương pháp dạy học môn pháp luật. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tổ chức sơ kết, tổng kết hằng năm, báo cáo Bộ GD và ÐT và cơ quan quản lý cấp trên theo quy định.

(Theo Nhân Dân)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm