Diễn đàn “Đạo thầy trò thời nay” xin được tạm kết thúc bằng ý kiến của ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu. Đó là mẫu hình người thầy gần gũi sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với học trò.
Xã hội vận động, khoa học vận động, giới trẻ vận động, mọi thứ luôn vận động. Trong khi đó, giáo dục là ngành luôn phải “đi trước - đón đầu” để kéo theo sự phát triển của con người, từ đó kéo theo sự phát triển của tất cả lĩnh vực xã hội. Đứng trong vị trí đó, tượng đài người thầy không thể là một tượng đài đứng im, mẫu hình người thầy không thể không vận động và phát triển cho phù hợp với thực tế đang hoàn toàn mới.
Từ “truyền thụ” chuyển sang “song hành”
Hai nhiệm vụ lớn nhất của người thầy là dạy học và giáo dục. Về giảng dạy, đã có một cuộc vận động rất rõ ràng để thay đổi quan điểm dạy học từ “truyền thụ” cho người học sang “song hành” với người học; từ người chia sẻ cho học trò những điều mà mình có theo kiểu thầy đồ thành người tổ chức cho học trò năng động học tập, đưa vị trí học trò từ thụ động tiếp thu sang chủ động khám phá, từ ghi nhớ sang tư duy; từ nhân vật theo sau thành nhân vật trung tâm của mọi hành động dạy học. Tuy kiểu dạy “truyền thụ” cũ kỹ chưa lột xác hoàn toàn để hình thành kiểu dạy học mới nhưng về nhiệm vụ dạy học, người thầy đã có một định hướng rõ ràng để thay đổi.
Cô và trò cùng vui trong sân chơi Trường Lê Hồng Phong, quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD
Nhiệm vụ giáo dục thì khác, giáo viên trẻ khá lúng túng khi chọn cho mình một triết lý mới trong công tác giáo dục các em. “Tượng đài người thầy” bấy lâu nay đã ăn sâu vào suy nghĩ của chúng ta là một người mô phạm, nghiêm nghị, chuẩn mực… Đó là một hình ảnh rất đẹp trong truyền thống và có nhiều điều chúng ta cần gìn giữ. Tuy nhiên, giới trẻ bây giờ rất khác, khác xa cái thời mà tượng đài người thầy ấy hình thành. Giới trẻ hiện tại phức tạp hơn rất nhiều, cái tôi cao hơn rất nhiều, ít chịu “ngoan” hơn và đòi hỏi nhiều hơn. Do đó nếu vẫn giữ phong cách nghiêm nghị, “mô phạm” theo kiểu bấy lâu nay thì chắc chắn người thầy sẽ bị lỗi nhịp. Bằng chứng là thầy thì nói theo cách của thầy, còn trò thì tiếp thu theo cách của trò. Hình ảnh quen thuộc vào sáng thứ Hai sinh hoạt dưới cờ, ở trên là người thầy cứ thao thao bất tuyệt, còn phía dưới sân trường thì học sinh cúi gằm mặt… đọc truyện tranh, nhắn tin, tán gẫu, ôn bài hay chỉ đơn thuần là ngồi suy nghĩ vu vơ. Bởi hai bên không cùng tần số.
Sứ mạng của thầy mới là cao quý
Xã hội cần chấp nhận hình ảnh một người thầy mới. Người thầy đó không quá “mô phạm” cứng nhắc theo kiểu mà người lớn nghĩ là tốt. Tôi nghĩ những gì tốt cho học trò thì mới là mô phạm. Thầy sử dụng ngôn ngữ xì-tin, lập trang Facebook trò chuyện với trò, sử dụng những phương pháp giảng dạy “lạ”, thậm chí tóc để “kiểu” một chút cũng không sao. Khi chọn cho mình phong cách rất hòa mình, điều này sẽ gây sự thích thú trong học sinh. Hiểu những gì học sinh thích, “bắt sóng” được tâm lý của trò, hóa thân thành bạn bè của trò, từ đó mới có thể tiếp cận bên trong tâm hồn trẻ và giáo dục bằng chính ngôn ngữ của các em, bằng chính phong cách của các em, trong thế giới của các em. Điều đó hoàn toàn tốt hơn một người thầy chỉ đứng trên bục giảng và nói những điều thầy thích.
Hình ảnh người thầy phá cách ấy có lẽ sẽ làm rất nhiều người khó chịu, bởi điều đó đã xâm phạm vào tượng đài quen thuộc mà mọi người hình dung về một ông thầy chuẩn mực. Thế nhưng giữ hình tượng cũ ấy cũng chẳng để làm gì nếu nó không phục vụ cho sự phát triển của học sinh. Một hình tượng cũ được người lớn yêu thích không quan trọng bằng một hình tượng mới được học sinh yêu thích. Bởi chỉ người nào mà các em cảm thấy rằng đó là người gần gũi, hiểu mình, mình sẵn sàng chia sẻ và lắng nghe, tạo được ảnh hưởng đến các em, ấy mới là “thầy”. Vì không hiểu điều đó nên bao nhiêu người lớn luôn phải vật vã vì dạy bảo mà trẻ không nghe, cấm mà trẻ vẫn làm, cuối cùng không nghe lời mình lại đi nghe lời của bạn. Trẻ bây giờ cần bạn chứ không cần quan tòa, cần người đồng hành chứ không cần người ra lệnh. Người lớn chúng ta phải chấp nhận thực tế đó.
Nhưng để làm bạn với giới trẻ, vị thế “cao quý” của người thầy sẽ bị lung lay. Thực ra chúng ta đã nhầm, không phải thầy là cao quý mà chính sứ mạng của thầy mới là cao quý. Thầy có cao quý hay không phụ thuộc vào việc thầy có thực hiện tốt sứ mạng của mình không. Một số người thầy vì nhầm tưởng bản thân là người đang làm trong nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý nên đã tự trao cho mình một quyền lực tuyệt đối, kể cả quyền lực xúc phạm đến học trò. Chính những suy nghĩ đó đã khiến người thầy biến chất, xa rời học trò, dẫn đến những sự việc đáng tiếc như tát học trò, sỉ nhục các em, nhín kiến thức để dạy thêm, ép tình đổi điểm… tràn lan trên báo chí.
Cởi bỏ tư duy quyền lực
Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu chúng ta cần gìn giữ. Sự gương mẫu trong lối sống và đạo đức của người thầy là nhiệm vụ sẽ tồn tại vĩnh hằng. Song đã đến lúc người thầy cần cởi bỏ tư tưởng quyền lực để thay đổi phong cách giáo dục và phương pháp tiếp cận với học sinh. Bởi nếu thầy không còn nhận được sự công nhận của học sinh, thầy không còn được gọi là thầy nữa.
Clip trò đánh lại thầy gây xôn xao dư luận vừa qua lại được giới trẻ cổ vũ là cú tát của giới trẻ vào tượng đài người thầy cũ kỹ, quyền lực, độc đoán, thiếu tôn trọng học sinh. Nếu người thầy không thay đổi để gần gũi với các em thì cuối cùng vực sâu giữa thầy và trò ngày càng rộng, mâu thuẫn giữa hai thế hệ thầy-trò chắc chắn sẽ vẫn nảy sinh.
Đã đến lúc người thầy cần bước xuống bục giảng trên cao để đến với các em. Bởi thầy giáo không thể chỉ là một người đứng trên bục giảng.
ThS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU, khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM
Trò mong muốn gì ở thầy? Có cứng, có mềm Học trò cấp 3 chưa phải là người lớn hẳn nên rất dễ tự ái và hành động dại dột. Vậy nên thầy cô giáo càng phải tâm lý. Trong những giờ giảng dạy hay hoạt động ngoại khóa, thầy cô giáo nên quan tâm đến học sinh nhiều hơn để thu hẹp khoảng cách giữa trò và thầy. Em nghĩ thầy cô nên thể hiện được sự cứng rắn (nhưng không phải là bạo lực) và mềm mỏng khi cần thiết để được học trò thực sự thương yêu và kính trọng. PHAN THÀNH NGHĨA (lớp 12 AVA- 20 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, TP.HCM) Xử lý công bằng Theo em thì thầy cô không nên làm cho học trò bẽ mặt. Khi đó các bạn khó kiểm soát được hành vi và muốn phản kháng để đòi sự công bằng. Để làm cho học trò tâm phục, khẩu phục thì thầy cô phải tôn trọng học trò, tìm hiểu kỹ nguyên nhân sự việc để xử lý phù hợp. HOÀNG DƯƠNG BẢO DUY (Lớp 10 C02-12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, TP.HCM) Hiểu trò sẽ dễ uốn nắn Trường chúng em đã lập trang Facebook Confession để tạo diễn đàn cho các bạn tự do chia sẻ nỗi niềm. Do có chỗ bày tỏ nên dù có nóng giận cỡ nào thì các bạn cũng chưa làm điều gì đáng tiếc. Về phía các thầy cô, khi có thêm một kênh thông tin để nắm bắt tâm tư, tình cảm…, thầy cô sẽ dễ dàng uốn nắn, định hình nhân cách cho học sinh. HỒNG THIÊN ÂN (lớp 12A13 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM) |