Các hãng hàng không “hút” người của nhau

Với tốc độ tăng trưởng cao cùng với nhiều hãng hàng không nước ngoài mở chi nhánh, lập đại lý thì sự thiếu hụt nhân lực của các hãng hàng không là điều không thể tránh khỏi.

Giá thuê phi công cao ngất ngưởng

Trước xu thế mở rộng của ngành hàng không, điều khiến các hãng đau đầu nhất là thiếu phi công giỏi. Hiện tại, 100% phi công của hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines (PA) đều phải thuê từ nước ngoài. Không tiết lộ chuyện lương bổng nhưng theo một cán bộ của PA khẳng định, mức lương mà PA phải trả cho đội ngũ phi công nước ngoài cao... ngất ngưởng. Còn đối với Vietnam Airlines thì chỉ có một ít là phi công trong nước, còn hầu hết phải thuê từ nước ngoài.

Do hầu hết phi công phải phụ thuộc từ nước ngoài nên cách đây không lâu, trong các hãng hàng không xảy ra tình trạng đình công của một số phi công. Lý do của cuộc đình công là phi công nước ngoài yêu cầu các hãng phải đáp ứng một số yêu cầu của họ. Nhắc lại chuyện này, lãnh đạo một hãng hàng không cho biết: “Trong việc kinh doanh hàng không thì vấn đề đảm bảo an toàn cho hành khách luôn đặt lên hàng đầu nên việc tuyển chọn phi công hết sức quan trọng. Cuối cùng, hãng phải chấp nhận yêu sách nếu không muốn phi công nghỉ hay chuyển sang hãng khác. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời chứ về lâu dài thì gay lắm!”.

Với các dạng nhân sự khác của ngành hàng không, cuộc cạnh tranh về nhân sự cũng không kém phần gay gắt. Cả nước đang có khoảng 600 đại lý lữ hành cùng với 40 hãng hàng không đang có văn phòng ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo khảo sát của Công ty Du lịch và dịch vụ hàng không TransViet, khoảng một nửa trong tổng số các đại lý lữ hành trên không được đào tạo qua trường lớp. Hầu hết nhân viên được đào tạo theo kiểu truyền nghề, kèm cặp.

Hiện tại đang có sự chuyển đổi nhân lực giữa các đại lý, các hãng, thậm chí là tranh giành lẫn nhau. Các hãng hàng không buộc phải trả tăng lương để lôi kéo nhân viên dịch vụ hàng không về với mình. Điều này thể hiện rõ nhất mỗi khi có hãng hàng không mới vào Việt Nam lại bắt đầu có một cuộc rút ruột những nhân lực có nghề của các hãng cũ về phía mình bằng cách trả lương cao hơn hay hứa hẹn điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn.

Phải tự lực là chính

Mới đây, khi Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) kết hợp với hãng hàng không Air Asia để thành lập hãng hàng không giá rẻ, Tổng Giám đốc PA Lương Hoài Nam cho rằng vấn đề cốt lõi nhất trong việc có thêm hãng hàng không mới không phải là tiền. Theo ông Nam, điều quan trọng nhất là phải có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp để vận hành trơn tru bộ máy đó. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có một trường đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên ngành hàng không chính quy. Các hãng vừa phải đến các trường “bắt” người vừa phải đào tạo lại.

Đến thời điểm này, cả nước chỉ có duy nhất một Học viện Hàng không (TP.HCM) đào tạo các ngành nghề cho lĩnh vực này nhưng chủ yếu phục vụ cho Vietnam Airlines. Tuy nhiên, theo nhận xét thì chương trình đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của các hãng. Đơn cử như quy trình đào tạo tiếp viên hàng không kéo dài tới 40 tuần là quá dài, trong khi một hãng hàng không tầm cỡ quốc tế như Qantas (Úc) chỉ mất 6-7 tuần. “Chương trình đào tạo kéo dài quá lâu không những làm tốn tiền mà ngay bản thân người học cũng có cảm giác mệt mỏi”, một chuyên gia cho biết.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, chuyên gia lĩnh vực hàng không và không gian, cho rằng với một nước có nhiều tiềm năng kinh doanh dịch vụ hàng không như Việt Nam mà chưa có một trung tâm bảo dưỡng, kiểm tra kỹ thuật máy bay thì quả là điều đáng tiếc. Giáo sư Hưng cho biết mỗi lần muốn kiểm tra máy bay, các hãng phải đưa ra nước ngoài với chi phí cho kiểm tra rất lớn. Trước đây, Giáo sư Hưng cùng với một số bạn bè cũng có ý định thành lập trung tâm kiểm định máy bay nhưng không thành công. “Ngoài ra, các hãng hàng không trong nước cũng phải nhanh chóng thành lập trung tâm đào tạo phi công để ít lệ thuộc nhân viên nước ngoài hơn. Tôi tin nếu có một chính sách đúng đắn cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, chúng ta sẽ làm được” - Giáo sư Hưng khẳng định.

TRUNG HIÊU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm