Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, hy vọng báo cáo XNK Việt Nam 2017 tiếp tục là ấn phẩm nhận sự tin tưởng của các cơ quan, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp (DN). Kết hợp cùng báo cáo 2016 được dùng không chỉ trong nghiên cứu mà áp dụng trong vận hành kinh doanh của DN.
"Qua hai bảng cáo cáo DN sẽ ngày càng có bức tranh đầy đủ hơn về hoạt động XNK, trên cơ sở đó DN hoạch định chiến lược kinh doanh của mình. Thời gian tới, ngoài phát hành báo cáo thường niên còn đồng hành cùng DN để làm sao xuất khẩu tăng trưởng bền vững, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế" - ông Khánh nói.
Cùng nhận định trên, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết hiện có khoảng 60% DN đang làm XNK mang tính tự phát, chưa có thông tin đầy đủ về thị trường. Thậm chí có DN phải mua từ các công ty nước ngoài với giá 3.000-10.000 USD cho thông tin của một thị trường. Mỗi năm muốn cập nhật, DN phải bỏ thêm chi phí nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được thông tin.
Do đó, với các thông tin thị trường mà Bộ Công Thương đưa ra trong báo cáo là đi sâu vào từng ngành nghề cụ thể rất hữu ích cho DN. Trên cơ sở đó DN phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường.
Báo cáo XNK 2017 là công trình công phu, một trong những báo cáo bổ ích với DN là những con số biết nói, nhiều DN XNK chưa chắc “đọc” được các con số này. Rất cần thiết và phổ cập cho DN liên quan đến XNK.
“Qua báo cáo chúng ta nhìn rõ hơn vị trí của DN Việt ở đâu và vị trí DN FDI ở chỗ nào, có bao nhiêu sản phẩm là đầu cuối, bao nhiêu sản phẩm là gia công… Điều này rất quan trọng khi định hướng được chiến lược cho DN Việt” - ông Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết hiện nay xuất khẩu sang Trung Quốc rất tốt nhưng tính rủi ro vẫn lớn nên kiến nghị báo cáo XNK 2018 Bộ Công Thương cần quan tâm, hỗ trợ DN có thông tin tương đối toàn diện. Thể hiện được xu hướng, dự báo những gì có thể xảy ra trong qua trình giao thương với thị trường Trung Quốc.
Ông Anh cho rằng báo cáo cũng cần tham vấn cho các DN, định hướng xuất khẩu nên tập trung những mặt hàng nào là mũi nhọn, không nên giẫm chân lên nhau. Có những nơi tham vấn nên xuất mặt hàng nào và xuất cái gì.
“Nên mạnh dạn nói thẳng với các địa phương, một số ngành nghề là họ không nên xuất cái này nữa vì đây là điểm mạnh của Trung Quốc, đừng xuất ngày nào chúng ta có lợi ngày đó. Đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn, tham vấn như vậy” - ông Anh nói.
Bộ Công Thương cho biết năm 2017 lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỉ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu cả nước đã đạt 214,02 tỉ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành công thương. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực. Chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp chế biến với tỉ trọng hơn 81%, tiếp đến là nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm hơn 12% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chỉ chiếm khoảng 2%. Cán cân thương mại năm 2017 đạt thặng dư 2,92 tỉ USD, là mức thặng dư cao nhất từ trước đến nay, đồng thời tốc độ tăng của nhập khẩu thấp hơn tốc độ tăng của xuất khẩu. Trong đó, Việt Nam đạt xuất siêu chủ yếu với các nước phát triển có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Mỹ, EU... |