Ngày 26-1 Tổng lãnh sự quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại TP.HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC), Sở Công Thương TP.HCM tổ chức hội thảo Giải pháp để đẩy mạnh hoạt động giao thương giữa TP.HCM và Lào cùng chương trình Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp TP.HCM-Lào.
Hội thảo có sự tham gia khoảng 80 doanh nghiệp (DN) Lào và Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến rau củ quả - trái cây, chế biến thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát…
Ông Phoukham Ouanouansa, Giám đốc Trung tâm Thương mại tỉnh Xiêng Khoảng, cho biết đang cần tìm đối tác thương mại ở TP.HCM để phân phối gạo Cày Nọi, gạo tẻ thơm và nếp Lào. Đồng thời cũng sẵn sàng nhận bán những sản phẩm chất lượng của DN Việt, cũng như tư vấn cho DN Việt muốn đầu tư vào tỉnh Xiêng Khoảng.
Một đại lý bia Lào của tỉnh Savannakhet cho biết tham gia Tuần lễ sản phẩm Lào tại TP.HCM muốn tìm kiếm nhà phân phối. Tuy nhiên, cũng lo lắng khó cạnh tranh về giá nếu bán tại Việt Nam vì chi phí vận chuyển từ Lào sang Việt Nam nhiều nên giá cao. Một thùng bia Lào 330 ml đang bày bán tại Tuần lễ giá 550.000 đồng, cao hơn so với giá bán tại Lào.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc Phòng Giao dịch nhà cung cấp- Saigon Co.op, hướng dẫn các DN Lào cần quan tâm nhiều hơn đến bao bì, nhãn sản phẩm, có thông tin rõ ràng để người tiêu dùng Việt Nam hiểu rõ về sản phẩm.
Theo bà Tuyền, cho dù sản phẩm của Lào được sản xuất tự nhiên, hữu cơ nhưng giá sản phẩm không thể quá cao, phải có giá cả phù hợp.
Doanh nghiệp Lào tìm nhà phân phối bia trong Tuần lễ sản phẩm Lào tại TP.HCM sẽ kết thúc ngày 28-1
Ông Vanxay Keovila, Phó Lãnh sự -Tổng lãnh sự quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại TP.HCM, cho biết tham dự sự kiện này có DN kinh doanh và sản xuất thương mại đến từ các tỉnh, thành phố của Lào với nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền. Với mục tiêu giới thiệu, kết nối giao thương với các DN, nhà phân phối của Việt Nam.
Mặt khác, qua hội thảo, DN hai bên đã tìm hiểu nhu cầu, xây dựng quan hệ đối tác, đồng thời đề xuất giải pháp tạo thuận lợi hơn nữa cho giao thương hàng hóa giữa hai nước.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, khẳng định lãnh đạo thành phố luôn làm hết sức để thúc đẩy mối quan hệ giữa TP.HCM với các địa phương Lào. Đối với quan hệ thương mại giữa hai bên, có thể thấy các mặt hàng xuất, nhập khẩu giữa hai nước mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp đã đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như cho sản xuất của hai bên.
“Tuy nhiên, hoạt động xuất, nhập khẩu giữa hai nước chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối giao thông hai nước chưa phát triển. Các khu kinh tế cửa khẩu còn thiếu vốn đầu tư”, ông Hòa nói.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, năm 2017 kim ngạch thương mại hai chiều TP.HCM- Lào đạt gần 8,01 triệu USD; trong đó, TP.HCM nhập khẩu 107.000 USD và xuất khẩu đạt 7,9 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Lào chủ yếu là thuỷ sản, giày da, hàng may mặc, xăng dầu, phân bón, nguyên liệu, thiết bị, dây điện, cáp điện, máy móc...