Cam Hà Giang, ếch Đồng Tháp tìm đường vào TP.HCM

Ngày 8-12, tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), Sở Công Thương TP.HCM tổ chức hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa năm 2017. Năm nay hội có sự tham gia của 2.700 doanh nghiệp (DN) của 40 tỉnh, thành với 450 gian hàng tiêu chuẩn.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công xúc tiến công thương tỉnh Hà Giang, cho biết năm ngoái khi làm việc với các chợ đầu mối, siêu thị ở hội nghị kết nối cung cầu, được góp ý cam Hà Giang đúng vụ có màu chín vàng đẹp nhưng người dân TP.HCM nói riêng và khu vực phía Nam cứ tưởng là cam Trung Quốc nên không mua.

“Năm 2017, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho các hộ trồng cam sành Hà Giang đạt VietGAP về tem truy xuất nguồn gốc. Theo đó, đây là một cách nhận diện cam Hà Giang. Mặt khác, cam sành Hà Giang khi thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12 có màu xanh, thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 1 cam chín chuyển sang màu vàng, và sau Tết Nguyên đán là mùa vụ cam chín vàng đậm, ngon nhất. Ngoài ra, cam Hà Giang có nhiều hạt, vỏ bề ngoài sần sùi, tép to, thơm ngon hơn trong khi cam Trung Quốc có màu vàng, không có hạt” - ông Quang chia sẻ.

Theo ông Quang, năm nay tỉnh đẩy mạnh kết nối với siêu thị ở phía Nam, bước đầu được một số siêu thị đánh giá cao cam sành của Hà Giang. Người phụ trách thu mua của Siêu thị Aeon đã làm việc trực tiếp với DN để thống nhất cách thức giao hàng, giá cả… cùng những vấn đề khác sẽ được bàn cụ thể. 

Cam sành Hà Giang năm nay được dán tem truy xuất nguồn gốc để phân biệt với cam Trung Quốc.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Hiền, chủ cơ sở Bảy Nữa (Đồng Tháp), cho biết tham dự hội nghị này nhằm quảng bá chà bông ếch và chà bông cá lóc. Tuy nhiên, sản phẩm đi kèm ếch sạch sấy khô.

Với việc đăng ký thương hiệu nhãn mác, bao bì, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… cũng tự tin giới thiệu đến siêu thị. Mặt khác, xu hướng người tiêu dùng chọn sản phẩm sạch cũng như nhu cầu chất lượng cho người già, trẻ em về canxi từ thiên nhiên.

Theo bà Hiền, với lợi thế là trang trại giống, quy trình chế biến ếch khép kín từ đầu ra đến đầu vào. Chẳng hạn ếch được nuôi đảm bảo không có kháng sinh. Ếch bị bệnh về đường tiêu hóa thì cho ăn tỏi, thức ăn công nghiệp… nên thời gian nuôi của cơ sở là 60-65 ngày, ngày cho ăn hai cữ trong khi người khác cho ếch ăn ba cữ nên thời gian nuôi của cơ sở dài hơn so với bình thường là 45-50 ngày.

Sau khi ếch làm sạch, để ráo nước ở ngoài trời (trong nhà kín) để 4-5 tiếng sau, sấy liên tục trong vòng tám tiếng, cuối cùng là đem đi đóng gói.

Ếch được cho ăn tỏi trị bệnh tiêu hóa, cho ăn ngày hai cữ... với quy trình khép kín đảm bảo sạch.

Khách tham quan mua rau củ sạch tại buổi kết nối. 

Sở Công Thương TP.HCM cho biết năm nay hội nghị kéo dài ba ngày, đến ngày 11-12 với nhiều điểm khác biệt so với các năm trước. Bên cạnh việc kết nối hàng nông sản, sản phẩm đặc sản như truyền thống còn mở rộng, kết nối các sản phẩm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh, thành, các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đặc biệt, năm nay hội nghị thực hiện kết nối online thông qua website www.ketnoicungcau.vn, mở rộng các kênh thông tin, các DN hoàn toàn chủ động tiếp cận.

Diễn ra hằng năm từ năm 2012, thông qua hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, TP đã kết nối thực hiện được 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỉ đồng, gồm các dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu thị… Trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch 2.500 tỉ đồng mỗi năm.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết hội nghị nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng DN sản xuất, DN phân phối có dịp thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại TP, các tỉnh.

Đồng thời là nơi chia sẻ kinh nghiệm để gắn kết giữa DN sản xuất và phân phối. Đây cũng là kênh kết nối, hợp tác thương mại mở rộng đến các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên và phía Bắc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm