DN vẫn lo sức mua và chính sách

Kinh tế năm 2014 được đánh giá sẽ khởi sắc hơn năm 2013. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp (DN) đều cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn về sức mua thị trường. Chính vì vậy, ngay cả những DN khá thành công trong năm qua cũng cân nhắc, thận trọng trong đặt kế hoạch tăng trưởng năm 2014.

Tăng trưởng mạnh nhờ mùa tết

Phải chật vật giữ vững thị trường và sức mua vào những ngày tết là cú hích giúp DN phần nào lấy lại những gì sau một năm thất bát. Vì vậy năm 2013 các DN sản xuất kinh doanh đều đạt được sự tăng trưởng như mục tiêu đề ra.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food, cho biết dù năm nay sức mua chỉ tập trung vào những ngày cận tết nhưng kết quả năm 2013 doanh thu tăng trưởng 10% so với năm 2012. Có được kết quả trên là nhờ vào sự tiện lợi của sản phẩm, giá cả ổn định. Khi ra tết, đơn đặt hàng của các siêu thị đã cao, đây là tín hiệu lạc quan khi nhìn về thị trường năm 2014.

Liên quan đến sức mua, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su, cho biết năm 2013 vừa qua sức mua thị trường quá thấp do người dân thắt chặt chi tiêu. Trong hiệp hội có 25% DN đạt tăng trưởng, một nửa DN không tăng trưởng và có 25% DN tụt giảm tăng trưởng, đặc biệt có 5% rơi vào tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, dịp tết vừa qua thị trường sôi động nên phần lớn các DN đều có sự tăng trưởng.

Ông Anh chia sẻ thêm giá nguyên vật liệu tiếp tục ổn định giúp giá thành không tăng, lãi suất ngân hàng đã giảm. Với những yếu tố đầu tiên như vậy nên rất thuận lợi cho DN trong việc hy vọng thị trường sẽ khởi sắc trong năm 2014.

Sức mua vẫn là nỗi lo lớn

Một số DN cho biết dù cuối năm nhìn thấy sức mua thị trường sôi động hơn nhưng chưa thể khẳng định điều gì cả. Cụ thể hơn, bà Lâm cho rằng do sức mua vẫn còn là vấn đề lớn nên DN khó có thể xoay đồng vốn vay để ổn định hoạt động sản xuất. Trong năm qua, giá các nguyên liệu đầu vào như điện, xăng dầu… liên tục biến động nhưng bán hàng không được nên hiệu quả tích lũy của DN không có.

Đại diện Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết năm 2014 thị trường nội địa tiếp tục khó do người dân vẫn tiết kiệm chi tiêu. DN phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, hàng trôi nổi, hàng nhập lậu. Đặc biệt, Việt Nam còn phải cạnh tranh với các DN nước ngoài nếu đàm phán TPP thành công.

Cùng quan điểm trên, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho hay năm 2014 sức mua vẫn là vấn đề lớn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tiêu dùng. Do đó đòi hỏi chính sách chung của Nhà nước đồng bộ. Kinh tế năm 2014 sẽ khó có đột phá về tăng trưởng, vì vậy kế hoạch kinh doanh của DN cần xác định thận trọng, không thể vội vã.

Ổn định chính sách để kích cầu

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su, nhận định rằng điều quan trọng trong năm 2014 là làm thế nào để sức mua tăng lên. Khi người dân có tiền mua sắm sẽ kích thích DN sản xuất, lúc đó kinh tế mới có sự tăng trưởng.

Chia sẻ với ý kiến của ông Anh, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết trong năm 2014 Nhà nước cần ổn định chính sách vĩ mô, minh bạch hóa các DN nhà nước, đặc biệt là kéo lãi suất xuống còn 6%-7% để các DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận được vốn. Làm thế nào tạo cú hích để DN có niềm tin vào nền kinh tế, có như vậy DN mới mạnh dạn đầu tư phát triển.

Ông Hưng nói thêm, đối với các DN cần thực hiện tái cấu trúc, xây dựng kênh phân phối làm sao đưa hàng hóa tốt nhất đến người tiêu dùng. Năm 2015, các nhà bán lẻ ngoại đổ xô vào thị trường, nếu DN Việt không tạo chuỗi cung ứng kênh phân phối chặt chẽ, không hợp tác liên kết mạnh mẽ với nhau thì rất khó cạnh tranh.

TÚ UYÊN

 

Niềm tin của DN vào thị trường tăng cao

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 50,7% các DN cho biết sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014. Đặc biệt, 42,5% DN được khảo sát sẽ mở rộng quy mô kinh doanh, chỉ có 6,7% DN có thể giảm quy mô kinh doanh và 0,1% DN có thể sẽ phải tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, chỉ số động thái dự cảm của DN về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014 là 7 điểm, cao hơn so với năm 2013. Điều này cho thấy DN đặt niềm tin mạnh mẽ vào những cải thiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm