Doanh nghiệp thép la làng vì bị hải quan làm khó

“Từ nhiều năm nay, chúng tôi vẫn nhập khẩu thép phế liệu ép bình thường, thế nhưng bỗng dưng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 và 2 lại cho rằng các lô hàng này gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu tái xuất. Là doanh nghiệp bị giữ hàng nhiều nhất, với 91 container, mỗi ngày chúng tôi bị mất hơn 1.000 USD vì tiền lưu kho, thuê container...” - ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Trang (Hải Phòng), bức xúc.

Ngoài Công ty Anh Trang còn bốn doanh nghiệp khác cũng đang trong tình trạng khóc dở mếu dở. Ông Lê Mạnh Hoàn, Công ty Thép Đình Vũ, cho biết Chi cục Hải quan Hải Phòng cho rằng mặt hàng nhập khẩu của công ty dính dầu mỡ nên chưa thông quan và đang chờ ý kiến của cấp trên. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng đã phải chờ gần ba tháng nay và cũng không biết chờ đợi đến bao giờ nữa.

Thế nhưng qua phân tích 61 container thép phế liệu tại cảng Cát Lái (TP.HCM), bà Nguyễn Thị Yến - Trưởng phòng Giám định 2 (Vinacontrol) kết luận các lô hàng này là các bao bì (lon, hộp) kim loại, có nguồn gốc từ thép lá mạ, có thể đưa vào sử dụng để nấu luyện thép, phù hợp với các yêu cầu bảo vệ môi trường. Dù Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 có yêu cầu Vinacontrol giám định lại thì kết quả cũng không có gì thay đổi, bà Yến khẳng định.

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vấn đề ở đây là việc các quy định của luật không chặt chẽ, từ đó dẫn đến cách hiểu và vận dụng luật của các cơ quan chức năng khác nhau. Trước hết nói về định nghĩa “làm sạch” của Điều 43 trong Luật Bảo vệ môi trường được nêu một cách rất chung chung. “Phế liệu nhập khẩu đã được phân loại, làm sạch” mà các lô hàng nhập về đã được phân loại là vỏ lon, hộp ép khối, còn thế nào là làm sạch và sạch như thế nào thì lại không được quy định rõ. Theo ông Huỳnh, ngay trong thép thành phẩm cũng khó có thể tránh khỏi việc lẫn những tạp chất như đất cát, rỉ sắt..., còn nếu yêu cầu thép phế phẩm làm sạch một cách hoàn toàn là điều thách đố doanh nghiệp.

Theo ý kiến của các chuyên gia, trước mắt các cơ quan chức năng nên thông quan lô hàng này để doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Hơn nữa, để tránh những chuyện luật làm khó doanh nghiệp như hiện nay thì cần phải lập một danh sách các chất không được phép có lẫn trong các lô hàng nhập về để các cơ quan cũng như doanh nghiệp có căn cứ thực hiện.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm