Nhà xuất khẩu bở hơi tai vì ảnh hưởng Biển Đỏ và Trung Đông

(PLO)- Nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu giảm bớt áp lực cạnh tranh, ngân hàng nhà nước đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, giảm lãi suất cho vay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-4, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ 2 với chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu" do Báo Người lao động tổ chức tại TP.HCM.

Tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) nhìn nhận, những ảnh hưởng về chính trị thế giới gần đây đã gây áp lực lớn cho DN xuất khẩu của Việt Nam, như khu vực Biển Đỏ, Trung Đông.

Khó khăn bủa vây DN

Bà Lê Thanh Minh, Trưởng phòng châu Âu, Vụ thị trường châu Âu-Châu Mỹ, Bộ Công Thương thông tin, giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang châu Âu, châu Mỹ đang cao hơn 20% so với mức bình quân các năm trước đây.

Có những đơn hàng đã lên tàu hai tuần hãng mới thông báo tăng giá, khiến cho DN vô cùng bức xúc. Cùng với đó, thời gian vận chuyển kéo dài 10-15 ngày, khiến chuỗi cung ứng bị đảo lộn.

Ông Đặng Quốc Hùng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủ công Mỹ nghệ gỗ Liên Minh cũng thừa nhận, công ty thường xuyên tổ chức các hội chợ về hàng nội thất, xúc tiến thương mại cho ngành nội thất mỹ nghệ, tập trung tại các thị trường Mỹ, châu Âu, do đó khi châu Âu có biến động địa chính trị, DN lập tức bị ảnh hưởng.

xuất khẩu
Ông Đặng Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ gỗ Liên Minh

Tăng cường khai thác thị trường mới

Trước bối cảnh này, ông Đặng Quốc Hùng cho rằng, cần có những chính sách về định hướng DN mở rộng thị trường không truyền thống. Cùng đó, ngân hàng cần mở rộng vốn cho DN có tiềm năng, đầu tư cho xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Có chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, đầu tư công nghệ xanh vì nếu không theo kịp, DN sẽ mất thị trường

"Theo tôi ngân hàng phải trở thành một nhà đầu tư chứ không chỉ là người cho vay"- ông Hùng kiến nghị.

Ở góc độ này, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận, các DN xuất khẩu cần khai thác triệt để các thị trường mới bằng việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, có kế hoạch quản lý rủi ro khi xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trước những yêu cầu về kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Từ đó, ông Lộc cũng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu bao gồm vốn tín dụng, tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu tiếp cận vốn thuận lợi hơn và với chi phí thấp. Từ đó nâng cao sự cạnh tranh của DN Việt.

Giải pháp gỡ khó về vốn

Đối với vấn đề vốn, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước khẳng định, DN nếu có dự án hiệu quả, đáp ứng điều kiện tín dụng tối thiểu chắc chắn sẽ được vay.

"Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động các biện pháp giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, mục tiêu năm nay tín dụng sẽ tăng trưởng 15% và nếu cần thiết và chỉ số kinh tế vĩ mô cho phép sẽ tăng thêm.

Về lãi suất hiện đã rất thấp, nhất là các khoản vay mới. Ngân hàng Nhà nước khẳng định chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù tăng hay giảm mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên"- ông Tú chia sẻ.

Cùng với đó, chính sách giãn, hoãn các khoản nợ DN chưa trả được sẽ kéo dài tới hết năm nay, thay vì chỉ tới 30-6 khi sửa đổi Thông tư 02.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tạo ra các nguồn vốn ưu đãi cho DN. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, giải quyết cầu tiêu dùng, tồn kho ngay trong thị trường nội địa. Đồng thời, đẩy mạnh đẩy mạnh kết nối ngân hàng và DN, mà TP.HCM là nơi đi đầu.

Về vấn đề điều hành tỉ giá, ông Tú bày tỏ quan điểm, chúng ta ổn định tỉ giá, chứ không cố định, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm.

"Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách cho vay ngoại tệ đối với hàng hóa ưu tiên vì có xuất khẩu mới có ngoại tệ. Những lĩnh vực như xuất khẩu cà phê đang được giá nên các ngân hàng phải ưu tiên cho vay. Tượng tự, gói 30.000 tỉ đồng cho xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu gỗ,… cũng được chúng tôi phối hợp với các hiệp hội DN triển khai quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, những chính sách xuất khẩu luôn được ưu tiên"- ông Tú nói.

Về tín dụng xanh, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước nói rõ đang cùng các bộ ngành nhận diện để xây dựng chính sách. Tín dụng xanh và các dự án xanh, để làm sao cả ngân hàng và DN hiểu rõ, có cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng, nhất là nguồn vốn cho tín dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm