Năm 2023, cán cân thương mại của Việt Nam (VN) vẫn đạt được kết quả tốt khi xuất siêu năm thứ tám liên tiếp. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp (DN) cần nhanh nhạy chuyển đổi sang sản xuất xanh để phù hợp với xu thế, bởi hàng hóa của VN sẽ không được khách hàng lựa chọn và bị loại khỏi chuỗi cung ứng nếu không đạt tiêu chuẩn “xanh”.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương, về những dự báo, đánh giá tình hình XNK của VN trong năm 2024.
Nhiều tín hiệu tích cực
. Phóng viên: Dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2023 VN vẫn duy trì xuất siêu năm thứ tám liên tiếp với mức thặng dư ước tính đạt gần 27 tỉ USD. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
+ Ông Trần Thanh Hải (ảnh) : Năm 2023 là một năm có khá nhiều khó khăn. Tổng cầu thế giới giảm mạnh, thương mại XNK của nước ta cũng như các nước đều chịu ảnh hưởng tiêu cực, trị giá xuất khẩu giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN, chúng ta tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, các thị trường truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu.
Ước tính tổng kim ngạch XNK năm 2023 đạt 681 tỉ USD, trong đó xuất khẩu ước tính đạt 354 tỉ USD, nhập khẩu ước tính đạt 327 tỉ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ tám liên tiếp với mức thặng dư gần 27 tỉ USD, gấp hơn hai lần mức xuất siêu của năm 2022.
Cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu vì tình trạng khó khăn chung về đơn hàng xuất khẩu, DN phải giảm quy mô sản xuất.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của VN dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể. Kết quả này cũng góp phần tích cực vào cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỉ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
. Dù bối cảnh vĩ mô kém thuận lợi như vậy nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn khắc phục được khó khăn và đạt kết quả tích cực như trên, đó cũng là điều đáng mừng, thưa ông?
+ Đúng vậy. Có được kết quả này, bên cạnh yếu tố vĩ mô thế giới tích cực hơn, còn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan. Các DN cũng chủ động, linh hoạt tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, từng bước đa dạng hóa thị trường, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.
Năm 2023, Cục XNK đã trình lãnh đạo bộ phê duyệt kế hoạch hành động của Bộ Công Thương nhằm thực thi chương trình hành động triển khai thực hiện chiến lược XNK hàng hóa đến năm 2030. Đây là chiến lược quan trọng cho phát triển xuất khẩu bền vững, đồng thời đã chỉ rõ các yếu tố để đạt được sự bền vững, đó là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo.
Nhiều cơ chế ràng buộc trong xuất khẩu sang EU
. Năm 2024, liệu rằng hoạt động XNK có bớt khó khăn không, thưa ông?
+ Bước sang năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động XNK hàng hóa. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Vấn đề hàng tồn kho cao tại Mỹ và nhiều thị trường đang dần được khắc phục.
Tuy nhiên, hoạt động XNK năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Các thị trường phát triển như Liên minh châu Âu (EU) đang rất chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như cơ chế điều chỉnh carbon, quy định chống phá rừng châu Âu..., điều này sẽ có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Ngoài ra, tình trạng căng thẳng gần đây ở Biển Đỏ khiến các tuyến tàu phải đổi hướng cũng làm gia tăng thời gian và chi phí cho DN XNK.
. Ông vừa nhắc đến cơ chế điều chỉnh carbon và quy định chống phá rừng của châu Âu, vậy hàng hóa xuất khẩu của VN sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào?
+ Câu chuyện về thương mại và môi trường không mới, mấy chục năm nay đã được thảo luận ở các diễn đàn trên thế giới, tuy nhiên vẫn chỉ dừng ở mức bàn thảo, không có tác động đáng kể với hoạt động thương mại. Chính vì vậy, việc EU ban hành các đạo luật mới về thuế carbon nói riêng và về chống biến đổi khí hậu nói chung đã có tác động rất lớn đến các quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như VN.
Đạo luật mới của EU có tên chính thức là cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) quy định trực tiếp về vấn đề thuế carbon sẽ được áp dụng đối với nhóm mặt hàng có lượng phát thải cao.
CBAM bắt đầu áp dụng thí điểm từ ngày 1-10-2023, áp dụng với sáu nhóm sản phẩm gồm nhôm, sắt thép, phân bón, xi măng, điện và hydrogen. Từ ngày 1-1-2026, các DN nhập khẩu vào EU sẽ phải khai báo số lượng hàng hóa nhập khẩu và lượng phát thải trong các hàng hóa đó. DN nhập khẩu sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận CBAM tương ứng với lượng phát thải mới được đưa hàng vào EU.
Việc EU áp dụng CBAM, trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tới bốn mặt hàng xuất khẩu của VN sang EU là thép, nhôm, xi măng, phân bón. Sau năm 2026, phạm vi của CBAM có thể được mở rộng, bao gồm tính cả thuế phát thải carbon gián tiếp và nhiều sản phẩm phát thải nhiều khí nhà kính ra môi trường như hóa chất hữu cơ, polyme (nhựa). Cuối cùng tất cả hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh trên thị trường mua bán phát thải của EU sẽ tác động mạnh đến hàng hóa xuất khẩu của VN sang EU.
Còn quy định mới của EU về chống mất rừng và suy thoái rừng áp dụng đối với một số nhóm mặt hàng nông lâm nghiệp. Gỗ, cà phê và cao su của VN sẽ chịu ảnh hưởng bởi quy định này khi xuất sang EU.
Chuyển đổi xanh để tránh mất đơn hàng vào tay đối thủ
. Như vậy là các DN sẽ phải gấp rút chuyển đổi sang sản xuất “xanh”, thưa ông?
+ Có thể nói trong nhiều yếu tố để tạo nên khác biệt, đem lại lợi thế cạnh tranh cho DN hiện nay thì giảm phát thải là một yếu tố mới. DN nào có nhận thức nhanh nhạy, nắm bắt và có biện pháp chuyển đổi để thích ứng sẽ có lợi thế cao hơn. Đơn giản vì nếu anh không phải là DN xanh, anh sẽ không được khách hàng lựa chọn và bị loại khỏi chuỗi cung ứng.
Có DN dệt may nói với tôi rằng trước đây chúng ta tự hào ngành dệt may đi trước các nước như Bangladesh, Campuchia. Tuy nhiên, bây giờ các nước đó đã đi trước chúng ta trong chuyển đổi xanh. Khi đơn hàng giảm đi, khách hàng sẽ lựa chọn những DN nào đáp ứng được yêu cầu của họ cao nhất, trong đó có yêu cầu về giảm phát thải. Do vậy, đơn hàng đã giảm vì nhu cầu đi xuống, lại còn bị mất vào tay các nước đối thủ.
Tôi còn nhớ thời điểm cuối quý I-2023, xuất khẩu hàng hóa của nước ta ghi nhận giảm 11,8% so với cùng kỳ. Thế nhưng từ cuối quý II-2023 đã có những tín hiệu phục hồi khi xuất khẩu của tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Đến cuối quý III, mức giảm xuất khẩu thu hẹp còn 8,5%. Dự kiến hết năm 2023, xuất khẩu ước tính đạt 354-355 tỉ USD, mức giảm thu hẹp chỉ còn 4,5%.
Nếu so với sự sụt giảm xuất khẩu của các nước trong khu vực, xuất khẩu của nước ta cơ bản phục hồi tích cực hơn. Cụ thể, sau chín tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Malaysia giảm 11,7%; Indonesia giảm 12,3%; Singapore giảm 10,8%… so với cùng kỳ.
. Với những khó khăn và thuận lợi được dự báo cho năm 2024, Cục XNK, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ các DN?
+ Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng cam kết trong các hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.
Chúng tôi cũng tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN...
Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy các DN chuyển nhanh, mạnh sang thương mại chính ngạch. Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới. Đồng thời, triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động về XNK hàng hóa, phát triển logistics, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và đặc biệt là hỗ trợ DN vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu…
. Xin cảm ơn ông.•
Bà NGUYỄN THỊ THU SẮC, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP):
Kiến nghị điều chỉnh mức tính thuế VAT
Giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước tính khoảng 9 tỉ USD, giảm 18% so với năm 2022. Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 9,5 tỉ USD, tương đương so với ước tính thực hiện năm 2023.
Dù một năm đầy khó khăn nhưng ngành thủy sản kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại khi nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu tăng trở lại. Năm 2024, ngành thủy sản cần tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy. Bên cạnh đó, các DN phải đạt các yêu cầu giảm phát thải, tăng sản xuất xanh.
Các DN thủy sản kiến nghị Bộ Tài chính cần có hướng dẫn về mức tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản. Việc xuất hóa đơn cho hàng bán bị trả lại hay trả lại hàng mua hiện nay của DN tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là các cục Thuế đang hướng dẫn DN thực hiện theo các cách thức khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Do vậy, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét có văn bản hướng dẫn thống nhất cho các bên liên quan để cho phép dù áp dụng bất kỳ thủ tục/hay hình thức trả hàng nào thì các bên được phép tự lựa chọn hình thức hóa đơn. Điều kiện là phải đảm bảo việc kê khai thuế thống nhất, phản ánh đúng bản chất giao dịch giữa hai bên.
Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group:
Kiểm soát kỹ về tiêu chuẩn chất lượng
Năm 2024, triển vọng xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục tăng trưởng để hướng tới kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỉ USD. Đặc biệt, mặt hàng chủ lực sầu riêng được dự báo xuất khẩu tăng, có sản lượng cao hơn năm nay. Nhiều trái cây cũng sẽ được xuất khẩu tăng mạnh sau khi chúng ta ký kết các nghị định thư với Trung Quốc.
Để trái cây VN giữ được thị trường thì cần kiểm soát kỹ về tiêu chuẩn chất lượng của từng vùng trồng, từng lô hàng xuất khẩu. Mới đây, Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu, cụ thể là tăng độ khô của cơm sầu riêng từ 32% lên 35% và thực hiện giám sát từng lô hàng để đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu đề ra. Do đó, DN và bà con trồng sầu riêng VN phải tăng sự liên kết, nâng cao kỹ thuật canh tác, tăng cường chất lượng về sản phẩm và giống. Về chính sách, các DN chế biến xuất khẩu rau quả kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có gói tín dụng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu giúp nông ngư dân duy trì việc sản xuất. Bên cạnh đó, phải coi sản phẩm trồng trên đất là tài sản để được thế chấp, vay vốn. Chẳng hạn như sầu riêng, nhãn mỗi năm người dân phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng/ha... nhưng hiện không được coi là tài sản để thế chấp. QUANG HUY ghi
Nhiều cơ hội cho Việt Nam tại thị trường Mỹ
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu và là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ…
AN HIỀN
Năm 2023, quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam (VN) và Mỹ đã được triển khai hiệu quả, thu được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, VN - Mỹ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9-2023.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ VN tại Mỹ, cho biết tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã chính thức đề nghị Bộ Thương mại Mỹ rà soát vấn đề kinh tế thị trường của VN.
Theo đó, VN đã bước đầu nắm bắt một số cơ hội mới để thu hút đầu tư chất lượng cao. Lĩnh vực bán dẫn, một trọng tâm theo nghị quyết của Chính phủ, đang rất có triển vọng với việc nhiều doanh nghiệp (DN) hàng đầu về bán dẫn như NVIDIA, Marvell, Amkor-USA… đã quyết định đầu tư, hợp tác với VN. Mỹ cũng đã đưa VN vào danh sách bảy nước được Mỹ hỗ trợ từ Quỹ Sáng tạo và an ninh công nghệ quốc tế trong lĩnh vực bán dẫn.
Ông Hưng nhìn nhận sự chỉ đạo kịp thời của các cơ quan trong nước đã góp phần giảm thiểu những khó khăn nhiều chiều mà VN đang phải đương đầu. Điều này được thể hiện qua việc phản ứng kịp thời trước những diễn biến bất lợi từ nền kinh tế Mỹ, giảm thiệt hại từ các vụ điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu, quyết tâm duy trì được chỗ đứng ở thị trường Mỹ.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu số 1 của VN, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. VN là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ, cán cân thặng dư thương mại của VN đứng thứ ba (chỉ sau Trung Quốc và Mexico).
“Chúng ta hướng đến cán cân thương mại giữa hai nước đạt trên 100 tỉ USD năm thứ hai liên tiếp” - ông Hưng nói thêm và cho hay nhiều nỗ lực của VN được đối tác Mỹ đánh giá cao, giúp phía Mỹ tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh ở VN.
Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đang đương đầu với đa khủng hoảng. Chuỗi cung ứng dù được phục hồi, lượng hàng tồn kho giảm đáng kể nhưng nhu cầu của người tiêu dùng giảm sút đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho xuất khẩu của VN vào Mỹ giảm khoảng 13% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, VN cũng phải đương đầu với 58 vụ kiện phòng vệ thương mại, đặc biệt là vụ kiện chống trợ cấp sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của VN gần đây. Với chính sách tập trung vào người lao động, Mỹ đã triển khai mạnh mẽ Đạo luật lao động cưỡng bức. Điều này khiến một số chuyến hàng xuất khẩu của VN bị chậm trễ trong quá trình thông quan, làm phát sinh nhiều chi phí, một số chuyến hàng bị trả lại. Ngoài ra, xu hướng DN VN sang Mỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư đang tăng nhưng cũng gặp một số khó khăn nhất định.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Hưng, phiên họp cuối kỳ của Fed đã quyết định dừng tăng lãi suất và neo ở mức 5,25%. Theo đó, dự kiến có ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024, điều này đã cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Chính phủ và các DN Mỹ cũng tiếp tục quan tâm và cam kết mạnh mẽ hợp tác làm ăn với VN. Các chuỗi bán lẻ lớn đã bắt đầu nối lại đơn hàng với VN.
Từ thực tế trên, vị trưởng Cơ quan Thương vụ VN tại Mỹ mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tích cực thúc đẩy các trao đổi, tiếp xúc hai bên về kinh tế, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.
Đồng thời, đẩy mạnh, nhanh quá trình xử lý vấn đề kinh tế thị trường của VN nhằm tạo điều kiện thuận lợi về mức thuế trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nếu xảy ra. Cùng đó là tranh thủ hỗ trợ của Mỹ, tận dụng cơ hội để thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh với các DN Mỹ về bán dẫn, công nghệ, năng lượng, đất hiếm…•