Tại diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam chiều 21-7, đại diện Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ.
Nhu cầu thị trường, giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu đều đi xuống, lạm phát tăng. Ngoài ra, tôm Việt phải cạnh tranh mạnh với các nguồn cung đối thủ như Ấn Độ khiến xuất khẩu tôm của nước ta gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm nay.
Về thị trường tiêu thụ, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như EU, Nhật Bản tiếp tục giảm mạnh 2 con số. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc và Mỹ đang phục hồi trở lại, là cơ hội kéo xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm 2023.
Như xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc nửa đầu năm nay đạt 239 triệu USD, có mức giảm thấp nhất so với các thị trường nhập khẩu tôm Việt khác. Tuy nhiên, từ tháng 6 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc ghi nhận tăng trở lại so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 19% đạt 59 triệu USD.
Giá trị xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ trong tháng 6 đạt hơn 71 triệu USD, giá trị cao nhất kể từ đầu năm nay. Kỳ vọng giá tôm thấp tại Mỹ đã tạo đáy và mức tiêu thụ tôm cho dịp cuối năm tăng.
Xuất khẩu tôm đang gặp nhiều khó khăn khi các thị trường giảm đơn hàng lẫn giá xuất khẩu đều giảm. |
Theo ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thuỷ sản), hiện tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Trong nửa đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000 ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích tôm sú 605.000 ha, tôm thẻ chân trắng 51.000 ha. Sản lượng tôm nước lợ của cả nước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Diện tích và sản lượng tôm mặc dù đảm bảo kế hoạch và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, được mùa nhưng giá bán giảm sâu, chi phí đầu vào cao.
Theo đại diện Cục Thuỷ sản, hiện ngành tôm đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu và hạn - mặn tại ĐBSCL biến động khó lường, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Nguồn giống chưa chủ động, phụ thuộc nhập khẩu và khai thác tự nhiên nên khó kiểm soát chất lượng. Hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún còn chiếm đa số. Liên kết chuỗi sản xuất, xuất khẩu chưa chặt chẽ và hiệu quả. Quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi còn yếu. Đặc biệt, giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp.
Giải pháp cho ngành tôm thời gian tới, theo Bộ NN&PTNT, tập trung áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, đa dạng các phương thức nuôi theo điều kiện từng vùng và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.