Nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam hồi phục tích cực

(PLO)- Bộ Công thương Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-11 tại TP.HCM đã diễn ra Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ thường niên năm 2023 với chủ đề “Nâng tầm - Khởi động” do Bộ Công thương phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, chính quyền các Bang Oregon và Colorado tổ chức.

Diễn đàn tập trung thảo luận về triển vọng quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ và ý nghĩa đối với hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chính sách xuyên suốt của Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu.

Ông Hải khẳng định việc Tổng Bí thư Việt Nam và Tổng thống Mỹ chính thức tuyên bố nâng tầm quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 vừa qua đã tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột.

Trong đó trụ cột kinh tế thương mại đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Theo ông Hải, việc hai nước nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện tạo cơ hội rất lớn để khởi động trong hợp tác các lĩnh vực mới mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thật sự có mặt trong các chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh sự tham gia của các DN Việt Nam trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thiết bị ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh sự tham gia của các DN Việt Nam trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thiết bị ngành năng lượng... Ảnh: TÚ UYÊN
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh sự tham gia của các DN Việt Nam trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thiết bị ngành năng lượng... Ảnh: TÚ UYÊN

Yêu cầu mới về phương thức hợp tác

Theo ông Hải, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có như dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng…đặt ra yêu cầu mới về phương thức hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa các nước trong đó có Việt Nam - Mỹ.

Trong quan hệ kinh tế song phương với Mỹ, những tháng đầu năm 2023 tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát tại Mỹ tăng cao... đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm.

Theo ông Hải, xuất khẩu tăng trở lại trong những tháng gần đây cùng với việc FED đã đi đến chu kỳ cuối của giai đoạn tăng lãi suất đã giúp sức mua và niềm tin người tiêu dùng Mỹ tăng trở lại.

Các mặt hàng xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử được đánh giá tiếp tục hồi phục, tăng trưởng tích cực.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang chuyển mình trở thành trung tâm sản xuất lớn của toàn cầu, các DN Việt đã sản xuất ra đa dạng hàng hóa cạnh tranh về giá, chất lượng ngày càng cải thiện.

"Gần đây, một số tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong những địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây có thể là cơ hội lớn các DN Việt Nam" - ông Hải nói.

Bộ Công thương đánh giá Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo DN hai nước thảo luận thẳng thắn các lĩnh vực triển vọng hợp tác và định hướng thúc đẩy lĩnh vực hợp tác trong tương lai.

Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM khẳng định mối liên kết chặt chẽ của hai nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng đối với khả năng phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu và sự thịnh vượng chung trong toàn khu vực.

Đồng thời bày tỏ hy vọng quan hệ song phương ngày càng đạt được nhiều kết quả thực chất, hiệu quả, mang lại lợi ích cho cộng đồng và DN hai nước.

Việt Nam vẫn là nước xuất siêu lớn thứ ba vào Mỹ

Theo số liệu của Hải quan Mỹ, tính đến hết tháng 8 Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ (cùng kỳ năm ngoái Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 79,4 tỉ USD giảm 16,2% so với năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 73,0 tỉ USD, giảm 15,98%; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 6,3 tỉ USD, giảm 19,5%.

Việt Nam vẫn là nước xuất siêu lớn thứ ba vào Mỹ, đạt 66,7 tỉ USD (sau Trung Quốc với 181,8 tỉ USD và Mexico với 100,7 tỉ USD)

Lũy kế đến ngày 20-10, Mỹ ở vị trí 11 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam với 1.306 dự án, tổng vốn đăng ký là 11,8 tỉ USD.

Việt Nam vẫn là nước xuất siêu lớn thứ ba vào Mỹ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm