Hãng tin Sputnik cho biết Tổng thống Mỹ Donald đã chấp thuận thỏa thuận mua lại hoạt động của ứng dụng giải trí TikTok tại Mỹ, cũng như thành lập công ty mới do tập phần mềm Oracle và công ty đại chúng Walmart tiến hành.
"Tôi đã bày tỏ sự ủng hộ của mình với thỏa thuận ấy. Tôi chấp thuận phương án thực hiện thương vụ này. An ninh sẽ được bảo đảm 100%" - Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 19-9.
Theo đó, hai doanh nghiệp Mỹ sẽ thành lập công ty mới mang tên TikTok Global để mua lại và quản lý hoạt động của TikTok tại nước này. Phần lớn hội đồng quản trị, giám đốc điều hành và chuyên gia an ninh trong ban lãnh đạo sẽ là người Mỹ.
"Công ty sẽ hoàn toàn do Oracle và Walmart kiểm soát, toàn bộ quyền điều hành thuộc về Oracle và Walmart" - ông Trump nói, thêm rằng điều này sẽ mang đến thêm 25.000 việc làm cho người Mỹ và nhiều khả năng trụ sở TikTok Global sẽ được đặt tại bang Texas.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp thuận thương vụ mua lại ứng dụng TikTok giữa ByteDance và Oracle cùng Walmart. Ảnh: VARIETY
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ thừa nhận thương vụ này vẫn sẽ phải có sự chấp thuận từ Trung Quốc trước khi được thông qua.
"Chúng ta sẽ cùng chờ xem điều đó có xảy ra hay không" - Sputnik dẫn lời ông Trump cho hay.
Oracle và Walmart dự kiến chiếm phần lớn tỉ lệ cổ phần trong công ty mới. Trong khi tập đoàn công nghệ ByteDance (chủ sở hữu TikTok) đã đồng ý tăng cường bảo mật thông tin người dùng tại Mỹ bằng cách chuyển dữ liệu sang máy chủ của Oracle và cho phép tập đoàn Mỹ kiểm tra mã nguồn của TikTok.
Phía TikTok cũng xác nhận đã đàm phán thỏa thuận với hai công ty Mỹ, trong đó Oracle sẽ trở thành nhà cung cấp nền tảng công nghệ còn Walmart là đối tác thương mại. Hiện cả hai công ty chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về phát biểu của ông Trump.
Sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo lùi kế hoạch cấm người dùng ở Mỹ tải ứng dụng TikTok đến ngày 27-9, muộn hơn một tuần so với dự kiến.
"Quyết định được đưa ra trong bối cảnh có những diễn biến tích cực gần đây" - đại diện Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ.
Logo ứng dụng TikTok ở giữa quốc kỳ Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: SPUTNIK
Trước đó vào đêm 18-9 (giờ địa phương), TikTok và ByteDance đã đệ đơn kiện lên một toà án liên bang ở Washington để phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump cấm người dùng Mỹ tải ứng dụng này.
Hãng tin Channel News Asia cho biết đơn kiện cáo buộc ông Trump vượt quá thẩm quyền khi cấm ứng dụng thuộc sở hữu của Trung Quốc này và hành động đó xuất phát từ động cơ chính trị hơn là ngăn chặn một "mối đe doạ bất thường" đối với Mỹ như luật pháp quy định.
TikTok cũng cáo buộc chính quyền Washington làm ngơ trước bằng chứng cho thấy TikTok cam kết đảm bảo quyền riêng tư và an ninh đối với người dùng Mỹ.
"Hành động của ông Trump sẽ phá huỷ một cộng đồng trực tuyến nơi hàng triệu người Mỹ cùng nhau thể hiện bản thân" - theo đơn kiện của TikTok và ByteDance.
Bộ Thương mại Mỹ đã ra lệnh cấm người dùng tại nước này tải ứng dụng WeChat và TikTok. Ảnh: GOOGLE
Buổi sáng cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ đã ra lệnh cấm người dùng tại nước này tải ứng dụng WeChat và TikTok kể từ ngày 20-9.
Cơ quan này yêu cầu gỡ hai ứng dụng Trung Quốc và trên AppStore, Google Play hay bất cứ nhà cung cấp ứng dụng nào trên các nền tảng có thể tiếp cận từ Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định cơ sở an ninh quốc gia mà Mỹ sử dụng để "đàn áp các công ty Trung Quốc" là "không có căn cứ", nhấn mạnh doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh theo quy tắc quốc tế và luật pháp Mỹ.
TikTok hiện có khoảng 100 triệu người dùng ở Mỹ, đặc biệt phổ biến ở người trẻ tuổi, đã trở thành một trong những tâm điểm căng thẳng giữa chính quyền Washington và Bắc Kinh, theo Channel News Asia.
Hồi tháng 8 Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức Mỹ giao dịch với ByteDance nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia". Ông cũng đặt ra thời hạn đến ngày 20-9 ByteDance phải hoàn thành thương vụ bán lại TikTok hoặc buộc phải ngừng hoạt động và thoái vốn tại Mỹ.