Doanh nghiệp Việt nên tận dụng lợi thế về...văn hoá

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo "Đẩy mạnh bán hàng Việt Nam trên thị trường nội địa" vưa được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng văn hoá là thứ vũ khí quan trọng của doanh nghiệp Việt trong quá trình hội nhập.

Thưa ông, đâu là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam ?

Cái yếu của doanh nghiệp Việt Nam là kinh nghiệm quản lý, kinh doanh còn mỏng; cơ sở vật chất của DN; công nghệ yếu kém, nhân lực hạn chế...Sản phẩm cũng vậy: chủng loại còn ít, mẫu mã ít chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, chất lượng hàng hoá của chúng ta còn kém, bao bì, thương hiệu chưa xây đựng được. đương nhiên giá cả ở sản xuất quy mô nhỏ, mẫu mã ít...thì sẽ cao hơn với sản xuất quy mô lớn.

Thưa ông, tới thời điểm này mới đẩy mạnh kêu gọi người Việt dùng hàng Việt liệu có quá muộn ?

Tại sao chúng ta phải dùng hàng Việt ? Vì điều đó thể hiện lòng yêu nước, giúp cho nền kinh tế phát triển, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, giúp cho các nhà sản xuất đứng vững trong cơn khủng hoảng.

Tôi cho rằng, đối với xã hội nói chung và kinh tế nói riêng thì không lúc nào là muộn, có điều chúng ta phải làm thế nào cho phù hợp với kinh tế. Cách đây mấy năm, khi kinh tế sung túc thì việc kêu gọi dùng hàng việt ko đơn giản, giới trẻ muốn dùng hàng cao cấp...nên khi đó đặt vấn đề dùng hàng Việt sẽ rất khó, trước hết về mặt tâm lý người tiêu dùng đã. Hiện nay chúng ta thuận lợi hơn, người tiêu dùng phải cân nhắc đến việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong phạm vi tài chính có hạn, trong khi nhà sản xuất không thể quan tâm nhiều tới xuất khẩu nữa, buộc phải quan tâm nhiều tới thị trường nội địa

Khó khăn lớn nhất khi doanh nghiệp bán hàng tại thị trường nội địa là gì ?

Có rất nhiều nhưng tôi chỉ kể một vài vấn đề. Khó khăn đầu tiên từ sản xuất: quy mô nhỏ, chủng loại ít, chất lượng thấp, giá cả cao...khắc phục bằng đổi mới công nghệ, giảm chi phí, nâng cao chất lượng...Thứ hai xuất phát từ hạ tầng kém, trong đó có hạ tầng thương mại - các doanh nghiệp Việt Nam không có đủ cơ sở vật chất đủ sức cạnh tranh....điều này đòi hỏi sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước để người tiêu dùng Việt Nam và hàng tiêu dùng Việt Nam có thể tiếp cận với nhau.

Thứ ba, phải khắc phục tâm lý tiêu dùng. Đừng coi tiêu dùng sản phẩm chỉ để thoả mãn nhu cầu của mình, mà còn đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước, và từ đó lại quay lại đóng góp cho sự phát triển của chính mình - đặc biệt là giới trẻ.

Vậy Bộ Công Thương sẽ làm gì để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn?

Câu hỏi chính xác nhất là chúng ta phải làm gì ? Bởi mình Nhà nước không thể làm được. Chính phủ và các bộ ngành phải tạo môi trường kinh doanh thích hợp, cơ chế kinh doanh thích hợp để hàng Việt Nam đến được với người tiêu dùng Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam có thể dùng hàng Việt Nam, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất.

Về các doanh nghiệp, phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường về chủng loại, mẫu mã, chất lượng, giá cả...Người tiêu dùng cũng không ngoài cuộc, phải nhận thức người Việt dùng hàng Việt cũng giúp cho kinh tế phát triển.

Tôi cũng muốn nói với các doanh nghiệp rằng sự hiểu biết tường tận về văn hoá Việt là "vũ khí" của họ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bởi chúng ta không thể dựng hàng rào với tất cả các doanh nghiệp nước ngoài mà không có hàng rào quanh ta, chúng ta không thể cạnh tranh với người nước ngoài bằng vốn liếng, công nghệ, kinh nghiệm quản lý...nhưng chúng ta có thể cạnh tranh bằng văn. hoá . Văn hoá là một thứ không dễ học, là rào cản rất lớn với bất cứ với người nước ngoài, kể cả người nước ngoài sống nhiều năm ở một nước. Đơn cử như gà rán KFC không bao giờ có thể thắng được phở Việt Nam...

Tựu chung lại, điều mà các doanh nghiệp Việt Nam nhưng doanh nghiệp nước ngoài không làm được là hãy tìm hiểu kỹ nhu cầu của người Việt Nam, văn hoá Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đó, văn hoá đó thì chúng ta sẽ thắng trên sân nhà.

Ông đánh giá thế nào về những luồng ý kiến khác nhau liên quan đến hoặc thắt chặt chi tiêu, hoặc kích cầu tiêu dùng ?

Thắt chặt chi tiêu là biện pháp tốt, nhưng kéo theo nhiều phản ứng phụ, đưa khó khăn của ngày hôm nay kéo dài nhiều năm về sau. Tuy nhiên cũng với khả năng như vậy chúng ta kích cầu tiêu dùng thì cùng một lúc có thể giải quyết được nhiều vấn đề: cuộc sống người dân trong điều kiện khó khăn được dễ thở hơn, các nhà sản xuất có thể sản xuất tốt hơn, đứng vững hiện nay và cạnh tranh về sau...

Tuy nhiên không phải kích cầu tiêu dùng ở tất cả các lĩnh vực, bởi ngân sách Nhà nước khó khăn, nên kích thích những lĩnh vực có ý nghĩa nhất và lâu dài với nền kinh tế. Cá nhân tôi cho rằng đó là cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng thương mại...

Xin cảm ơn ông !

Theo Quỳnh Trang ghi ( VnMedia)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm