Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Văn Hùng cho biết Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đã thống nhất thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Thành Điện Hải là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Do đó, việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong thời gian tới phải được làm hết sức thận trọng, đảm bảo giữ lại được những giá trị nổi bật, độc đáo, hiếm có của Thành Điện Hải.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế, cho biết Đà Nẵng đã thể hiện một quyết tâm rất lớn trong việc khắc phục tình trạng xâm lấn, vi phạm tại Thành Điện Hải, di dời xong hơn 70 hộ dân.
“Đà Nẵng hiện có khoảng hơn 5 triệu lượt khách du lịch/năm nhưng mới chỉ có khoảng gần 200.000 ngàn người tới tham quan di tích này. TP cần phải tính toán làm sao để bất cứ ai đến TP cũng phải một lần đặt chân đến Thành Điện Hải” - ông Hải nói.
Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 15-12. Ảnh: TÂM AN
Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam, dự án cần phải được xây dựng xuất phát từ nhu cầu và mong muốn tìm thấy ký ức lịch sử của cha ông.
“Thành Điện Hải phải là một sản phẩm thật sự hấp dẫn, khác biệt. Sau khi tu bổ, tôn tạo phải được đặt trong nền cảnh của một không gian “phố xưa Đà Nẵng” và những hàng cây xanh để có một không gian công cộng điển hình. Nếu không làm được điều này, chắc chắn sản phẩm chúng ta tu bổ không bao giờ lọt vào tầm ngắm của khách du lịch” - ông Bài nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, ông Hà Phước Mai, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, đề nghị trong quá trình tôn tạo, tu sửa, TP không nên làm nhà vệ sinh cho du khách trong khuôn viên thành. Theo ông Mai, đây là mảnh đất thiêng liêng, hàng ngàn nghĩa sĩ đã anh dũng hy sinh để chống trả các đợt tấn công của quân Pháp.
Thành Điện Hải được khởi công xây dựng năm 1813 (năm Gia Long thứ 12). Đây chính là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858-1859.